Đường huyết cao trong thời gian dài ở bệnh tiểu đường sẽ gây tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Với vai, đường huyết cao có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng xấu đến vận động.
Các nghiên cứu cho thấy người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng cao hơn nhiều so với người bình thường. Cụ thể, tỷ lệ mắc bệnh trong dân số nói chung chỉ là 2%. Tuy nhiên, con số này ở bệnh nhân tiểu đường là từ 10 - 30%, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Đường huyết cao trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng còn có tên gọi là viêm dính bao khớp vai. Đây là tình trạng cực kỳ khó chịu gây đau và cứng khớp vai. Các triệu chứng ban đầu xuất hiện ít nhưng dần dần sẽ nặng hơn theo thời gian.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường là do đường huyết cao sẽ kích thích collagen, thành phần chính hình thành các mô liên kết xung quanh khớp vai. Các phân tử đường sẽ bám vào collagen và khiến chúng trở nên dính hơn thay vì trơn tru.
Collagen là thành phần chính của gân và dây chằng. Đây đều là những bộ phận cần thiết để kết nối cơ, xương với nhau. Những thay đổi này khiến các mô liên kết bị sưng và cứng.
Sở dĩ được gọi là vai "đông cứng" vì bệnh khiến khớp đau và giảm khả năng vận động. Những trường hợp nghiêm trọng sẽ không thể cử động vai.
Khi bị viêm quanh khớp vai thể đông cứng, người bệnh sẽ trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, vai sẽ có cảm giác đau và cứng khi cử động. Cơn đau lan dần ra toàn bộ cánh tay và trầm trọng hơn vào ban đêm. Giai đoạn này kéo dài từ 6-9 tháng.
Trong giai đoạn tiếp theo, cơn đau có thể giảm bớt nhưng vai vẫn bị đau cứng. Hệ quả là khiến việc thực hiện các công việc và hoạt động hằng ngày trở nên khó khăn. Giai đoạn này kéo dài từ 2-6 tháng.
Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn phục hồi. Cơn đau tiếp tục giảm dần và khả năng cử động vai từ từ được cải thiện. Khớp vai sẽ hồi phục và chuyển động dễ dàng trở lại. Giai đoạn này kéo dài từ 6-9 tháng.
Để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng, bác sĩ sẽ áp dụng một số phương pháp giúp giảm đau, chẳng hạn như dùng các loại thuốc giảm đau như ibuprofen, acetaminophen, đồng thời kết hợp chườm ấm, chườm lạnh hay vật lý trị liệu.
Nếu cơn đau không cải thiện thì bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật để khôi phục lại cử động vai. Với người mắc tiểu đường, họ cần kiểm soát tốt đường huyết để nồng độ đường glucose trong máu ở mức ổn định, theo Healthline.
VietBF@sưu tập