Sự cố khiến 4 người một nhà phải đi cấp cứu. Bình gas bị rò khí phát nổ, lửa cháy lan khiến 4 người trong một gia đình bị bỏng nặng phải vào viện cấp cứu, trong đó nặng nhất là bé trai 7 tuổi.
Chiều 20/5, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), cho biết các bác sĩ mới tiếp nhận 4 bệnh nhân trong cùng một gia đình ở huyện Mù Cang Chải bị bỏng nặng do bị nổ bình gas.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Anh Tú, khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết sau khi được sơ cứu ban đầu ở bệnh viện huyện, các bệnh nhân được chuyển tuyến trong tình trạng bỏng độ 1, độ 2 nhiều vùng như đầu mặt, cẳng tay, cẳng chân, bàn tay, bàn chân... Một số vị trí trên cơ thể bệnh nhân bị bỏng độ 3.
"Họ là người cùng 1 nhà, gồm ông bà, một người con và cháu. Trong đó, người cháu 7 tuổi bị nặng nhất, phải điều trị hồi sức tích cực", bác sĩ Tú nói. Qua khai thác thông tin từ người nhà và bệnh nhân, dù phát hiện bình gas bị rò khí nhưng những người trong gia đình không biết cách xử lý, không lường trước việc bình gas có thể phát nổ, bùng lửa cháy lan vào người.
Cả 4 bệnh nhân được thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ điều trị và chăm sóc. Đến 20/5, tình trạng của các bệnh nhân tạm ổn định, có thể ăn uống. Riêng em bé bị nặng nhất do chỉ số nhiễm trùng có biểu hiện tăng cao, các thầy thuốc đang có kế hoạch chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương.
Bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần thận trọng trong việc sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy nổ và gây bỏng như đồ điện, bếp gas... Đồng thời, khi bị bỏng, nạn nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, không làm theo các mẹo truyền miệng, không có cơ sở khoa học để tránh biến chứng đáng tiếc.
Năm bước sơ cứu tại chỗ với bỏng nhiệt
- Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi hỏa hoạn, dập tắt lửa trên người nạn nhân, cởi bỏ quần áo bị cháy hoặc thấm đẫm nước sôi,… Đồng thời tiến hành cấp cứu toàn thân khi có ngừng tuần hoàn, đa chấn thương kèm theo, suy hô hấp do bỏng đường thở.
- Bước 2: Ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng bằng nước mát sạch (không dùng nước đá) càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30 phút từ sau khi bị bỏng. Có thể ngâm rửa phần bị bỏng dưới vòi nước chảy hoặc ngâm trong chậu nước mát hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt dội rửa liên tục nước sạch lên vùng bỏng.
Nhanh chóng cởi bỏ quần áo chật, nhẫn, đồng hồ trước khi phần cơ thể bị bỏng sưng nề. Vừa ngâm rửa vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám dính trên bề mặt.
Thời gian ngâm rửa từ 15-30-45 phút (thường tới khi hết đau rát); không làm trợt vỡ vòm nốt phỏng; giữ ấm phần cơ thể không bị bỏng.
- Bước 3: Che phủ tạm thời vết bỏng bằng vật liệu sạch như gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải màn…, sau đó băng ép nhẹ bằng băng sạch. Với vùng mặt và sinh dục chỉ cần phủ một lớp gạc. Tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng.
- Bước 4: Bù nước, điện giải sau bỏng.
- Bước 5: Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc chuyên môn.
VietBF@ sưu tập
|