Kho báu này được cho là có từ hơn 2000 năm trước và chứa rất nhiều đồ tạo tác bằng vàng, đá quý.
Kho báu Bactrian Gold ở Afghanistan được đánh giá là một trong những kho báu có giá trị nhất lịch sử. Kho báu này được phát hiện vào năm 1978 tại Tillya Tepe (cũng được gọi là Tillā tapa). Theo các nhà nghiên cứu, nó có niên đại từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Đây là một kho báu khổng lồ, là một trong những bộ sưu tập vàng lớn nhất thế giới. Kho báu Bactrian là một trong những phần đại diện cho lịch sử văn hóa của Con đường tơ lụa cổ đại. Việc phát hiện ra kho báu Bactrian được đánh giá là sự kiến chấn động giới khảo cổ và được so sánh ngang với việc phát hiện ra lăng mộ của vị pharaoh của Ai Cập cổ đại Tutankhamun.
Người ta phát hiện ra kho báu Bactrian nằm trong một ngôi mộ 2000 năm tuổi ở khu vực Tillya Tepe, quận Sherberghan, tỉnh Jawzjan, phía Bắc Afghanistan. Người ta ghi nhận kho báu này chứa 21.145 món đồ tạo tác bao gồm các bức tượng tiên nữ, cá heo, các vị thần, con rồng bằng vàng, nạm đá quý, các loại tiền xu, nhẫn vàng, hoa tai, vòng cổ... Ngoài ra, kho báu này còn có nhiều đồ vật được chế tác từ đá quý như ngọc lam, lapis lazuli, đá carnelian. Trong các món đồ tạo tác đó, đáng chú ý nhất là một chiếc vương miện được làm bằng vàng có chiều cao gần 13cm.
Kho báu Bactrian chứa tới hơn 20.000 vật phẩm bằng vàng và các loại đá quý.
Theo các học giả, khu mộ chứa kho báu Bactrian gồm 6 ngôi mộ, niên đại từ thế kỷ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên. Những ngôi mộ này thuộc về 6 người du mục châu Á, trong đó có 1 đàn ông và 5 phụ nữ.
Ngoài ra, kho báu này được nhận định là có niên đại từ quốc Quý Sương (đế quốc Kushan). Đây là một trong những cường quốc cổ đại tại Trung Á.
Thời kỳ đỉnh cao của đế chế này là khoảng năm 105-250. Bộ lạc Quý Sương của dân Nguyệt Chi đến từ Tân Cương (Trung Quốc) ngày nay, một dân tộc có thể có liên hệ với người Tochari được coi là chủ nhân gây dựng nên đế chế Kushan. Về mặt diện tích, đế quốc này trải dài từ Tajikistan tới biển Caspi và từ Afghanistan xuống đến lưu vực sông Hằng.
Đế quốc Kushan nằm ở trục giao thông huyết mạch của Trung Á, có mối quan hệ ngoại giao với các khu vực xung quanh bao gồm nhà Hán (Trung Quốc), đế chế La Mã, Ba Tư Sassanid. Trong suốt vài thế kỷ, đế quốc Kushan được coi là trung tâm trao đổi giữa các nước phương Đông và phương Tây. Từ thế kỷ thứ 3, đế chế Kushan bắt đầu suy yếu rồi sụp đổ và được thay thế bằng đế chế Sassanid và đế chế Gupta.
Nói riêng về kho báu Bactrian, tờ TOLOnews của Afghanistan từng đưa tin khẳng định kho báu Bactrian được trưng bày ở 13 quốc gia suốt hơn 10 năm qua. Tờ báo này cũng khẳng định kho báu Bactrian mang về cho ngân khố Afghanistan tổng cộng hơn 4,5 triệu USD. Vào tháng 2/2021, kho báu Bactrian đã được Chính phủ cũ đưa vào Phủ Tổng thống để trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Kabul, nhiều người lo lắng về số phận kho báu khổng lồ này.