Lệnh xóa bỏ hình ảnh điếu thuốc lá trên bức tranh tường ở khu phố người Hoa (Chinatown) của giới chức Singapore đã dấy lên tranh cãi gay gắt về vấn đề kiểm duyệt nghệ thuật đường phố.
Giới trẻ Trung Quốc đang "sốt xình xịch" mua xổ số giữa bối cảnh kinh tế bất ổn
Theo SCMP, bức tranh được hoàn thành hồi đầu tháng 4, khắc họa hình ảnh một phụ nữ trẻ Samsui đang kẹp điếu thuốc lá cháy dở.
Cơ quan Phát triển Đô thị (URA) của Singapore đã gửi email cho chủ tòa nhà vào ngày 8/5, thông báo rằng bức tranh tường "không phù hợp với lập trường chính sách chống hút thuốc của Singapore".
Trong một email khác gửi ngày 18/6, URA trích dẫn phản hồi ẩn danh từ công chúng, cho rằng nhân vật nữ trong tranh "trông giống gái mại dâm" và mang tính "xúc phạm".
URA đặt ra hạn chót ngày 3/7 để chủ nhà đưa ra đề xuất mới, đồng thời cảnh báo về nguy cơ bị thu hồi giấy phép tạm thời của nhà hàng đang hoạt động tại đây, vốn sẽ hết hạn vào ngày 27/7.
Sean Dunston, tác giả bức tranh tường, một người Mỹ 50 tuổi đã sống ở Singapore từ năm 2009, đã chia sẻ sự việc trên Instagram. Anh đề xuất vẽ đè lên điếu thuốc bằng hình ảnh một chú mèo con, một chiếc bánh taco hoặc một ống thuốc phiện.
Bức tranh được hoàn thành hồi đầu tháng 4, khắc họa hình ảnh một phụ nữ trẻ Samsui đang kẹp điếu thuốc lá cháy dở. Ảnh: SCMP.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích quyết định của URA, cho rằng điếu thuốc lá trong tranh là chi tiết chính xác về mặt lịch sử, thể hiện sự công nhận đối với cuộc sống và công việc của phụ nữ Samsui.
"Tại sao chúng ta lại cố gắng thay đổi lịch sử?" một người bình luận trên mạng đặt câu hỏi.
Phụ nữ Samsui, hay còn gọi là "phụ nữ khăn trùm đầu đỏ", là nhóm phụ nữ Trung Quốc nhập cư vào Singapore từ những năm 1920 đến 1940 để làm công nhân.
Họ chủ yếu đến từ quận Sanshui của tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc và sinh sống ở khu vực hiện có bức tranh tường.
Tài liệu ghi chép rõ ràng rằng những người phụ nữ này thường hút thuốc để giải trí sau giờ làm việc vất vả, thậm chí còn cất thuốc lá dưới chiếc khăn trùm đầu màu đỏ đặc trưng.
Nghệ sĩ Dunston giải thích: "Thông thường, phụ nữ Samsui được miêu tả là người già, nhưng khi họ đến Singapore, họ còn rất trẻ. Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nếu thay đổi hình ảnh đó, khắc họa một người phụ nữ trẻ trung trong khoảnh khắc nghỉ ngơi sau công việc."
Anh chia sẻ với The Straits Times rằng chính quyền nên "cố gắng tìm kiếm sự cân bằng hơn", thay vì kiểm duyệt hoàn toàn tác phẩm một cách "quá cứng nhắc và hà khắc".
"Những người đặt ra quy tắc này lo sợ xúc phạm người khác hoặc gửi thông điệp sai lệch đến trẻ em, và tôi hiểu điều đó. Nhưng đôi khi, bạn không thể tránh khỏi khi nói về một số chủ đề nhất định, đặc biệt là chủ đề lịch sử," Dunston nói.
Cheyenne Alexandria Phillips, một hướng dẫn viên du lịch được cấp phép ở Singapore, cho biết bức tranh tường sẽ là một điểm nhấn thú vị để giới thiệu lịch sử Singapore với du khách.
Phillips cũng đặt câu hỏi liệu các khiếu nại của công chúng có được coi trọng quá mức trong các quyết định kiểm duyệt hay không. Các nhà hoạt động chỉ trích việc miêu tả phụ nữ Samsui là gái mại dâm là phân biệt đối xử với người hành nghề mại dâm.
Lệnh xóa bỏ hình ảnh điếu thuốc lá trên bức tranh tường ở khu phố người Hoa (Chinatown) của giới chức Singapore đã dấy lên tranh cãi gay gắt về vấn đề kiểm duyệt nghệ thuật đường phố. Ảnh: SCMP.
Theo hướng dẫn trên trang web của URA, tranh tường trên các cửa hàng được bảo tồn phải "phù hợp với đặc điểm của khu vực".
Người phát ngôn của Shepherd Asset Management, đại diện cho chủ nhà, thừa nhận bức tranh tường đã được hoàn thành mà không có sự chấp thuận trước của URA.
Sau những tranh cãi, URA đã yêu cầu nghệ sĩ "tạm dừng mọi chỉnh sửa trên bức tranh tường cho đến khi hoàn tất việc xem xét", vì họ đã "lưu ý các phản hồi bổ sung liên quan đến bức tranh tường".
Dunston hiện đã ngừng sửa đổi bức tranh tường và đang chờ thêm thông tin từ chính quyền. "Tôi hy vọng họ sẽ xem xét đến bối cảnh và yếu tố lịch sử," nghệ sĩ chia sẻ.
VietBF@ sưu tập