Dưa muối, cà muối là món ăn dân dã thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm của các gia đình người Việt. Về cơ bản, cà muối là một món ăn lên men. Nó có chứa vi khuẩn lactic có trong tự nhiên có tác dụng kích thích tiêu hóa, bổ sung các lợi khuẩn như lactobacilli, acidophilus và plantarum cho hệ tiêu hóa của con người.
Trong quá trình lên men, các vi khuẩn này tạo ra các enzyme có tác dụng chuyển hóa tinh bột và đường trong dưa cà để tạo thành axit lactic. Chất này tạo ra vị chua cùng các enzyme có tác dụng phân hủy một số thành phần protein trong thực phẩm. Khi đó, cơ thể có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra, vị chua của các loại dưa cà cũng có tác dụng kích thích vị giác. Đây là lý do vì sao người ta thường ăn dưa cà cùng với những món ăn chứa nhiều đạm như thịt, cá, tôm để chống ngán.
Dưa cà muối nếu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng với liều lượng phù hợp sẽ là món ăn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, việc ăn dưa cà muối với số lượng lớn trong thời gian thì có thể gây ra các tác dụng phụ. Nó có thể làm tăng nồng độ axit dạ dày, gây viêm, loét dạ dày. Bên cạnh đó, lượng muối lớn từ các món ngâm muối, ngâm chua này cũng có thể làm ảnh hưởng đến huyết áp.
Ăn dưa muối, cà muối bị nổi váng trắng có làm sao không?
Dưa muối, cà muối có bị nổi váng trắng thường xuất phát từ một số nguyên nhân như nước muối không đủ độ mặn; dụng cụ muối dưa cà không được vệ sinh sạch sẽ, bị dính nước lã; đũa/thìa gắp dưa cà không sạch, dính nước lã; dưa cà không được rửa sạch và để khô ráo hoàn toàn trước khi muối...
Nếu thấy dưa cà nổi lớp váng trắng, bạn có thể vớt dưa cà ra và dùng nước đun sôi để nguội để rửa sạch là có thể ăn tiếp.
Tuy nhiên, nếu thấy lớp váng nổi lên trên hũ dưa muối, cà muối có màu vàng hoặc màu đen thì không nên tiếp tục sử dụng. Đây là dấu hiệu cho thấy nấm mốc độc hại đã phát triển trong hũ muối dưa cà. Loại nấm thường xuất hiện trong thực phẩm có tên gọi là aspergilus flavor. Nấm này sinh ra một chất có tên gọi là aflatoxin. Đây là chất độc có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, các cơ quan nội tạng...
3 loại dưa muối, cà muối không nên ăn
- Dưa cà muối trong thùng sơn
Nhiều người tận dụng thùng sơn để muối dưa cà. Tuy nhiên, việc này cực kỳ nguy hiểm. Các thùng đựng sơn có thể còn lưu lại các chất phụ gia, chất tạo màu, dung môi từ sơn. Bằng mắt thường, chúng ta không thể nhìn thấy những chất này. Tuy nhiên, các chất này dễ bị hòa tan trong nước muối dưa cà (có tính axit). Khi chất độc ngấm vào thực phẩm và đi vào cơ thể, nó sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm cho con người.
- Dưa cà muối bị mốc
Như đã nói ở trên, dưa cà muối xuất bị nổi váng vàng hoặc đen là dấu hiệu cho thấy chúng bị mốc, không nên sử dụng.
- Dưa cà muối có chất phụ gia
Để dưa muối, cà muối không bị nổi váng trong thời gian dài, người bán có thể thêm một số chất phụ gia không được phép sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Một trong số đó là muối của axit sorbic (ví dụ như sorbat natri hoặc sorbat kali). Các loại muối này có tính sát trùng mạnh, ức chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, giúp thực phẩm tươi ngon lâu hơn, không bị biến đổi về mặt hình thức cũng như hương vị.
Đối với những loại dưa cà muối lâu những vẫn giữ được màu sắc bắt mắt, không hề bị đổi màu, có thể người bán đã sử dụng chất tẩy đường - một dạng hợp chất có chứa sunfua dioxit (SO2). Chất này có công dụng tẩy trắng và làm thực phẩm tươi ngon trong thời gian dài. Tuy nhiên, đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm. Nó chỉ được dùng trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. Chất SO2 đi vào cơ thể sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm giác mạc, viêm miệng, viêm dạ dày...
|