Trái cây thường được khuyến khích trong chế độ ăn lành mạnh vì giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Tuy nhiên, một số người hay bị đau bụng sau khi ăn trái cây có thể do chứng bất dung nạp thực phẩm. Dưới đây là một số nhóm người nên hạn chế tiêu thụ trái cây.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit trong dạ dày liên tục trào ngược lên thực quản. Triệu chứng gồm ợ nóng, nôn trớ, cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng, ho, đau ngực, khó nuốt, đau họng, đau dạ dày. Người bị trào ngược dạ dày thực quản ăn một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Một số trái cây nhiều axit mà người mắc bệnh này nên hạn chế như cà chua, chanh, cam, bưởi...
Người kém dung nạp fructose
Fructose là một trong những loại đường tự nhiên có trong trái cây, nước ép trái cây, một số loại rau và mật ong. Hầu hết trái cây sấy khô và đóng hộp đều chứa hàm lượng fructose cao.
Kém hấp thu fructose là tình trạng các tế bào của ruột non không thể hấp thụ đường đúng cách. Tình trạng này có thể di truyền do thiếu một loại enzyme phân hủy đường. Triệu chứng thường gồm sinh nhiều khí, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày...
Kém dung nạp fructose có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương gan và thận do tích tụ fructose không thể tiêu hóa. Người bệnh có triệu chứng buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng dai dẳng, đường huyết thấp. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến co giật hoặc hôn mê. Người thường xuyên bị đau bụng sau khi ăn trái cây nên đi khám để kiểm tra có bị không dung nạp fructose hay kém hấp thu không.
Người không dung nạp thực phẩm
Những người không dung nạp hoặc nhạy cảm với những thành phần khó tiêu hóa ở trong thực phẩm, bao gồm cả trái cây. Triệu chứng gồm tiêu chảy, đầy hơi do sinh quá nhiều khí, đau đầu, buồn nôn, đau bụng... Xét nghiệm máu góp phần giúp người bệnh kiểm tra có gặp tình trạng không dung nạp trái cây hay không.
Người bị dị ứng thực phẩm
Dị ứng trái cây không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra. Người bệnh thường cảm thấy buồn nôn sau khi ăn trái cây, miệng ngứa hoặc tê, nổi mề đay, sưng lưỡi, cổ họng, đau họng, tiêu chảy... Không dung nạp thực phẩm khác dị ứng thực phẩm. Không dung nạp có xu hướng gây ra các vấn đề về tiêu hóa, trong khi phản ứng dị ứng thường dẫn đến các vấn đề liên quan đến hô hấp hoặc da hơn.
Người thường xuyên ăn quá nhiều chất xơ
Chất xơ là một phần thiết yếu của chế độ ăn uống cân bằng, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe đường ruột. Ăn nhiều chất xơ giúp giảm táo bón, duy trì cân nặng phù hợp nhờ tạo cảm giác no. Trái cây như mâm xôi, táo, lê, chuối, cam, dâu tây, xoài... cung cấp chất xơ dồi dào. Tuy nhiên, ăn quá nhiều chất xơ một lúc có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, chướng bụng và chuột rút.
Ăn từ từ, tăng dần lượng chất xơ hấp thụ trong vài tuần cho hệ tiêu hóa thích nghi, giúp giảm đau dạ dày. Người trưởng thành, nữ giới nên ăn 22-28 g chất xơ, nam giới có thể nhiều hơn khoảng 28-34 g mỗi ngày.
Lời khuyên từ chuyên gia
Trong một số trường hợp nếu bạn có vấn đề về tiêu hóa mà vẫn muốn tiêu thụ trái cây thì nên thay đổi cách ăn trái cây để có được dinh dưỡng chuẩn:
Nếu hệ thống tiêu hóa của bạn nhạy cảm, đường fructose phổ biến có trong các loại trái cây có thể bị khó tiêu hóa. Và nếu nó được ăn cùng hay gần bữa ăn, loại đường này sẽ hút nước vào trong ruột, gây ra chướng bụng. Trong trường hợp này nên ăn trái cây vào các bữa phụ (sáng hay chiều) giữa các bữa ăn chính và không nhất thiết phải ăn trước bữa ăn.
Nếu hệ thống tiêu hóa yếu hoặc có bệnh, các chất xơ có trong trái cây cũng có thể gây ra cảm giác đầy hơi. Một lần nữa, bạn nên ăn các loại trái cây cách xa bữa ăn.
|
|