Những người chạy bộ và tập luyện cường độ cao ngắt quãng có cấu trúc telomere dài hơn, nhờ đó kìm hãm tốc độ lão hóa, trẻ lâu hơn.
Cơ thể có xu hướng lão hóa nhanh hơn từ sau tuổi 30. Nghiên cứu chỉ ra việc tăng telomere và telomerase có thể làm chậm lão hóa hiệu quả. Telomere giúp duy trì tính toàn vẹn của nhiễm sắc thể và kiểm soát chu kỳ phân chia tế bào. Telomere càng ngắn đi nhanh càng gia tăng tốc độ lão hóa cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến lão hóa.
Telomerase có vai trò chỉnh sửa lại quá trình phân chia tế bào, giúp tái sinh phần đầu nhiễm sắc thể, giảm quá trình bào mòn cấu trúc telomere, nhờ đó giữ nhiễm sắc thể của tế bào luôn trẻ trung và đạt được tác dụng chống lão hóa.
Trong một nghiên cứu của tạp chí European Heart, các nhà khoa học đã phát hiện trong tế bào của những người chạy bộ và người tập các bài cường độ cao ngắt quãng (HIIT), độ dài telomere và số lượng telomerase đều tăng. Theo đó, thường xuyên áp dụng hình thức tập luyện này sẽ góp phần cải thiện sức khỏe, kéo dài cấu trúc telomere, kìm hãm tốc độ lão hóa, trẻ lâu.
Dạng bài tập aerobic - trao đổi chất hiếu khí - thiên về sức bền như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi... yêu cầu cơ bắp hoạt động nhịp nhàng, phối hợp trong thời gian dài, nhờ đó tăng cường oxy cho từng vùng cơ bắp. HIIT bao gồm một chuỗi bài tập buộc cơ thể phải huy động hết sức lực để thực hiện, do đó đẩy nhịp tim lên cao, giúp đốt calo trong thời gian ngắn. Cả hai kiểu tập luyện này đều cải thiện lưu thông máu, tác động tích cực đến các tế bào, làm giảm phản ứng viêm, giảm căng thẳng, giảm stress oxy hóa, góp phần bảo toàn cấu trúc telomere.
|