Tiền tiểu đường là tình trạng đường huyết trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán là bệnh tiểu đường.
Điều đáng lo ngại là, rất nhiều người bị tiền tiểu đường nhưng không hề hay biết vì nó thường không có triệu chứng rõ ràng, theo tờ The Indian Express (Ấn Độ).
Ông V. Mohan, bác sĩ chuyên về bệnh tiểu đường ở Ấn Độ, đã chia sẻ một số thông tin quan trọng về các dấu hiệu tiền tiểu đường.
Nhiều người bị tiền tiểu đường nhưng không hề hay biết vì nó thường không có triệu chứng rõ ràng
Tiền tiểu đường là gì?
Tiền tiểu đường là giai đoạn trung gian giữa người khỏe mạnh và người mắc bệnh tiểu đường. Ở giai đoạn này, lượng đường trong máu đã bắt đầu tăng cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán là bệnh tiểu đường.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết lúc đói của bạn nằm trong khoảng 110-125 mg/dL hoặc đường huyết sau khi ăn 2 giờ trong khoảng 141-199 mg/dL, thì bạn đã ở giai đoạn tiền tiểu đường.
Tiền tiểu đường không gây ra hậu quả nghiêm trọng?
Nhiều người thường lầm tưởng rằng tiền tiểu đường chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp và không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy.
Khi mắc tiền tiểu đường, lượng đường trong máu của bạn đã bắt đầu tăng cao, cùng với đó là sự gia tăng của huyết áp và cholesterol. Những thay đổi này có thể gây ra tổn thương lâu dài cho tim mạch, thận và các cơ quan khác.
Nếu không được kiểm soát tốt, tiền tiểu đường có thể nhanh chóng tiến triển thành bệnh tiểu đường. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị tiền tiểu đường càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng.
Để ngăn ngừa bệnh tiểu đường, chúng ta cần thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày, bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và giảm cân. Nếu những phương pháp này không mang lại kết quả như mong đợi, hãy gặp bác sĩ để được hỗ trợ điều trị.
Sàng lọc tiền tiểu đường
Việc kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm bệnh tiểu đường là rất quan trọng. Tất cả người trưởng thành trên 30 tuổi nên đi khám sàng lọc định kỳ.
Đặc biệt, những người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, béo phì, đa nang buồng trứng, ít vận động, căng thẳng nhiều cần chú ý hơn.
Các xét nghiệm thường được sử dụng để sàng lọc tiền tiểu đường là xét nghiệm dung nạp đường uống (OGTT) và xét nghiệm hemoglobin A1C (HbA1C).
Xét nghiệm OGTT giúp đánh giá khả năng cơ thể xử lý đường, trong khi xét nghiệm HbA1C cho biết mức đường huyết trung bình trong 3 tháng qua.
VietBF@sưu tập