Trung Quốc thông qua đại sứ tại Mỹ là ông Tạ Phong gửi thông điệp tới Washington rằng sẽ không có ai chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan hay thương mại.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong - Ảnh: AFP
Phát biểu tại bữa tiệc của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc tổ chức ở Thượng Hải ngày 7-11, ông Tạ Phong (Xie Feng) nhấn mạnh rằng "không ai là người chiến thắng" trong các cuộc chiến về thuế quan, thương mại hay khoa học - công nghệ.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cho rằng những khác biệt giữa hai quốc gia nên trở thành động lực thúc đẩy giao lưu và học hỏi lẫn nhau, thay vì là "cái cớ cho sự từ chối và đối đầu". Ông cũng khẳng định những thành công của mỗi nước là cơ hội để nước kia phát triển hơn.
Đại sứ Tạ cũng nhắc nhở rằng nhiều công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, trong đó khoảng 60% cửa hàng mới của McDonald's mở trong năm qua là ở Trung Quốc.
Thượng Hải hiện là thành phố duy nhất trên thế giới có hơn 1.000 quán cà phê Starbucks.
Ông nhấn mạnh: "Càng nhiều câu chuyện thành công về hợp tác đôi bên cùng có lợi, thì càng tốt cho cả hai nước. Trung Quốc và Mỹ có thể cùng nhau đạt được nhiều thành tựu lớn thông qua hợp tác, và danh sách hợp tác cần được kéo dài thêm".
Ông Tạ Phong không đề cập trực tiếp đến cuộc bầu cử hay tổng thống đắc cử Donald Trump, người từng áp đặt thuế hàng tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc trước khi hai nước đồng ý hòa giải vào tháng 1-2020.
Với việc ông Trump quay lại Nhà Trắng, có nhiều lo ngại rằng Mỹ - Trung sẽ có cuộc đối đầu mới trên nhiều lĩnh vực.
Trong khi đó nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức sau khi tăng trưởng chậm lại ở mức 6% vào năm 2019, mức yếu nhất trong gần 30 năm, do tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc và Mỹ là bạn bè, thế giới có lợi
Trung Quốc nối lại 'ngoại giao gấu trúc' với Mỹ
Năm 2024, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn khoảng 5%. Điều này sẽ khiến nước này gặp bất lợi nếu căng thẳng thương mại tái bùng phát sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1-2025.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết sẽ áp đặt mức thuế 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức thuế 7,5 - 25% trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng đáp trả nếu một cuộc chiến thương mại mới xảy ra. Ông Joe Mazur, nhà phân tích cao cấp của Công ty tư vấn Trivium China tại Bắc Kinh, nhận định: "Ngay cả khi quan hệ Mỹ - Trung đột ngột ấm lên, Bắc Kinh vẫn sẽ ưu tiên tự chủ và an ninh kinh tế".
"Nếu mức thuế cao được áp dụng, chúng ta sẽ chứng kiến sự trả đũa mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ cho rằng thái độ mềm mỏng không đem lại lợi ích nào, và đáp trả mạnh mẽ có thể khiến Mỹ cân nhắc lại áp lực kinh tế lên nước này", ông Mazur nhận định.
Ông Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics, dự báo: "Chúng tôi ước tính rằng ngay cả khi thuế của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc tăng lên 60%, tác động trực tiếp lên GDP của Trung Quốc cũng chỉ dưới 1%".
VietBFsưu tập