Trung Quốc công bố hình ảnh tiêm kích tàng hình J-35A, mẫu máy bay sẽ ra mắt công chúng trong triển lãm hàng không tuần sau.
Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc ngày 9/11 công bố video ngắn về tiêm kích tàng hình J-35A bay huấn luyện ở sân bay Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, nơi dự kiến diễn ra Triển lãm Hàng không Trung Quốc ngày 12-17/11.
Trước đó, ảnh chính thức của tiêm kích J-35A cũng đã được công bố trong cuộc họp báo ngày 5/11. Các quan chức Trung Quốc cho biết tiêm kích tàng hình J-35A sẽ bay trình diễn tại triển lãm hàng không.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin J-35A được thiết kế cho hoạt động không chiến và có thể không kích mục tiêu mặt đất. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết nước này có thể phát triển nhiều biến thể dòng J-35, trong đó có tiêm kích hạm phục vụ trên tàu sân bay.
Các chuyên gia nhận định nếu biên chế J-35A, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ sở hữu hai loại tiêm kích tàng hình. Tiêm kích tàng hình đầu tiên mà Trung Quốc biên chế năm 2017 là J-20.
Chưa rõ khi nào quân đội Trung Quốc sẽ vận hành J-35A và mẫu tiêm kích này được triển khai tại đâu. Theo Carl Schuster, từng là chỉ huy trung tâm tình báo liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định J-35A có thể được phát triển cho hải quân Trung Quốc.
Tiêm kích J-35 trong ảnh công bố ngày 5/11. Ảnh: PLA
"J-35 thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2021, song đây là biến thể phái sinh của nguyên mẫu trước đó", Schuster cho biết, đề cập đến mẫu FC-31. "J-35A dường như được cải thiện thiết kế và có động cơ mạnh hơn. Trung Quốc có thể sẵn sàng sản xuất hàng loạt mẫu tiêm kích này vào năm sau".
Theo biên tập viên Thomas Newdick và Tyler Rogoway của TWZ, những hình ảnh mới được công bố cho thấy rõ nhiều chi tiết và tính năng của J-35A. Mẫu tiêm kích này có nhiều điểm tương đồng với F-35 do Mỹ chế tạo, song điều này "không đồng nghĩa Trung Quốc đã sao chép mẫu tiêm kích tàng hình của Mỹ".
Khác biệt lớn nhất là J-35 được trang bị hai động cơ, trong khi F-35 có một động cơ. Thiết kế của F-35 có thể được cải tiến thành biến thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), còn J-35 dường như chưa tính tới tính năng này.
"J-35 thanh mảnh và gọn gàng hơn F-35, phần lớn do thiết kế của máy bay không phải đáp ứng yêu cầu của biến thể STOVL. Tuy nhiên, thiết kế này đặt ra câu hỏi về khả năng chứa nhiên liệu và thể tích khoang vũ khí trong thân máy bay", Newdick và Rogoway nhận định.
Ảnh của J-35A cho thấy hệ thống nhắm mục tiêu quang điện tử dưới mũi máy bay cùng màn hình lớn bên trong buồng lái. Ngoài ra, J-35 dường như có bộ phận phản xạ tín hiệu radar lắp dưới thân để loại bỏ năng lực tàng hình khi cần thiết.
Newdick và Rogoway dự đoán J-35A có giá thành và chi phí vận hành thấp hơn J-20. Do đó, Trung Quốc có thể biên chế lượng lớn chiến đấu cơ này để tăng quy mô phi đội theo cách mà họ không thể thực hiện được với tiêm kích J-20 với kích thước lớn hơn.
Công ty phân tích Janes có trụ sở tại Anh cho biết không quân Trung Quốc trong năm qua biên chế thêm hơn 70 chiếc J-20, nâng tổng số tiêm kích tàng hình đang hoạt động lên khoảng 195 chiếc. Các chuyên gia Janes nhận định quân đội Trung Quốc đang bổ sung thêm J-20 cho các bộ chỉ huy tiền tuyến của nước này.
VietBFsưu tập