Cá là món ăn rất bổ dưỡng cho mọi gia đình vì thế bạn nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. Việc chế biến và sơ chế cá có lẽ là mối lo của mỗi bà nội trợ nên số lần ăn cá ngày càng ít đi bởi mùi tanh khó chịu. Mẹo vặt sau đây sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức mỗi khi sơ chế cá.
Cá có nguồn đạm quý với đủ các acid amin cần thiết, trong đó hàm lượng lysin, tirozin, tryptophan, systin, methionin còn cao hơn thịt. Chất đạm của cá tươi lại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu hơn so với thịt. Chất béo của cá gồm có lipid và lipoid. Thành phần lipid của cá chủ yếu là các acid béo không no. Ngoài các axit béo không no, các lipoid của cá còn có nhiều chất sinh học quan trọng như phosphatid, serebrorid, sterid... Phosphatid có ở khắp các tế bào trong cơ thể, tập trung chủ yếu ở bề mặt nguyên sinh chất của tế bào, tham gia vào quá trình chuyển hóa tế bào (nhất là tính thấm của màng tế bào).
Ngoài ra, trong cá còn có chất DHA đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của tế bào não và hệ thần kinh. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên tăng cường ăn cá, nên ăn 2-3 bữa cá mỗi tuần, thỉnh thoảng ăn cá nhỏ kho nhừ cả xương.
Mẹo sơ chế cá
- Cho 1 ít muối vào cá khi sơ chế, ngâm vài phút sau đó làm sạch như bình thường.
Món cá luôn có rất nhiều chất dinh dưỡng
- Dùng 1 trái chanh vắt lấy nước, ngâm cá khoảng vài phút sau đó làm sạch như bình thường. Cá sẽ sạch nhớt và không bị tanh. Tuy nhiên, nếu ngâm cá lâu, cá sẽ bị lột da.
- Khi sơ chế các loại cá da trơn như basa, cá hú hoặc lươn, bạn nấu một ít nước nóng đổ vào con cá rồi cạo sạch nhớt. Đảm bảo cá rất sạch mà không còn mùi tanh.
- Trước khi kho, nấu hay rán cá có thể ướp thêm 2 thìa rượu trắng. Sau khi chế biến cá sẽ hết mùi tanh đồng thời có mùi vị thơm hơn.
Nước muối loãng
Cá sau khi được làm sạch, hãy ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 15 phút, sau đó rửa lại dưới vòi nước sạch thì sẽ giảm được đáng kể mùi tanh. Bạn lưu ý chỉ dùng nước muối pha loãng, đừng nghĩ rằng muối càng nhiều, dung dịch càng đặc thì càng tốt, bởi điều đó không những chẳng tăng thêm tác dụng mà còn ảnh hưởng đến hương vị của món cá.
Chanh, giấm
Bạn có nhiều lựa chọn để phát huy được hiệu quả khử mùi từ hai loại dung dịch giàu tính axit này:
- Pha giấm/nước cốt chanh vào nước, ngâm cá vài phút rồi làm cá và rửa lại dưới vòi nước sạch. Cách này hợp khi chế biến cá da trơn vì còn có thể làm sạch chất nhầy trên mình cá;
- Với cá đã làm và rửa sạch, bạn có thể bạn pha chút giấm/nước cốt chanh vào nước rửa cá lần cuối hoặc dùng giấm/nước cốt chanh để thoa lên mình cá (đã làm và rửa sạch) rồi thấm khô.
Rượu
Bạn làm sạch cá, rửa sạch, để ráo rồi cho rượu vào ướp cá khoảng 2 phút trước khi chế biến; với cách làm này, bạn không cần rửa lại vì khi nấu, hơi rượu sẽ bay đi hết, chỉ còn lại món cá đậm đà. Đặc biệt nếu bạn làm món cá hấp thì có thể cho rượu vào nước hấp, không cần ướp trước.
Sử dụng các loại gia vị
- Ướp cá với các loại gia vị có mùi thơm như tiêu, hành, ớt, gừng, rau cần... để làm bớt mùi tanh. Chà xát cá với ít rau răm cũng giúp loại bỏ mùi tanh cho cá.
- Các loại rau có vị chua như mẻ, me, sấu, khế... nấu với cá cũng giảm mùi tanh.
- Để làm món cá rán, bạn ngâm cá vào ít sữa bò tươi, khi rán sẽ không tanh và có hương vị thơm ngon.
Lưu ý, các món ăn từ cá dù rán, kho, hấp hay nấu canh... nên thưởng thức ngay khi còn nóng. Điều này không chỉ đem lại sự ngon miệng mà còn giúp bạn tránh được mùi tanh của món ăn khi để nguội.