TPP đã bị giáng một đòn chí mạng sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút. 11 quốc gia còn lại là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Điều gì đang chờ họ sau khi "rắn mất đầu"?
11 quốc gia còn lại biết rằng Mỹ sẽ rút khỏi TPP khi ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch bầu cử rằng hiệp định này đem việc làm ra nước ngoài và có những lợi ích đặc biệt khác thay vì tốt cho người lao động Mỹ.
Phản ứng của các nước
Theo tin tức của đài CNN, một số nước cam kết sẽ cố gắng hồi sinh TPP hoặc ký kết các thỏa thuận mới.
Ông Steven Ciobo, Bộ trưởng Thương mại Úc : "TPP, trong đó bao gồm cả Mỹ, chắc chắn không thể được thực hiện trừ khi Mỹ thay đổi ý định. Chúng tôi có một thỏa thuận đem lại rất nhiều lợi ích mà các nước thành viên đều muốn duy trì. Đó là lí do vì sao một số chúng tôi đã thảo luận về khả năng TPP gồm 11 nước".
tổng thống donald trump đã ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định TPP hôm 23-1. Ảnh: CNN
Ông Heraldo Munoz, Ngoại trưởng Chile : "Chúng tôi quan tâm tới việc tiếp tục tăng cường hội nhập với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều nước là thành viên TPP. Chúng tôi sẽ kiên trì hội nhập và mở cửa với thế giới".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe : "Tôi tin rằng Tổng thống Trump hiểu tầm quan trọng của thương mại công bằng và tự do, vì vậy tôi muốn kiên trì theo đuổi sự hiểu biết của ông ấy về tầm quan trọng của chiến lược và kinh tế của TPP. Những quy định mới ban hành của TPP sau nhiều năm đàm phán sẽ là hình mẫu cho những cuộc đàm phán thương mại tương lai và được kỳ vọng trở thành tiêu chuẩn toàn cầu trong thế ký 21".
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Dato' Sri Mustapa Mohamed : "Nếu TPP thất bại, đó sẽ là một cơ hội bị bỏ lỡ của Malaysia vì một loạt nghiên cứu chỉ ra rằng chúng tôi sẽ được lợi rất nhiều từ TPP. Nếu TPP không trở thành hiện thực, trọng tâm của chúng tôi là đẩy mạnh hội nhập kinh tế với ASEAN. Bất chấp lập trường hiện tại của chính quyền mới về TPP, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ mối quan hệ với Mỹ để tăng cường thương mại song phương và quan hệ kinh tế, vì Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia và là nguồn đầu tư quan trọng".
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto : "Ưu tiên của chúng tôi là tự củng cố bản thân để tăng cường dòng chảy thương mại, đầu tư và du lịch. Và đặc biệt là trước những khó khăn trong việc thực hiện TPP, Mexico sẽ lập tức khởi xướng các cuộc đàm phán để tạo ra các hiệp định thương mại song phương mới với các nước tham gia hợp tác".
Ông Todd McClay, Bộ trưởng Thương mại New Zealand : "Lập trường của Mỹ dù đáng thất vọng nhưng không bất ngờ vì quan điểm của Tổng thống Trump đã khá rõ ràng trong một thời gian. Ưu tiên của chúng tôi là có Mỹ tham gia vào TPP. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn có giá trị như một Hiệp định thương mại tự do với các nước thành viên khác".
Phát ngôn viên Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore : "Mỹ đã chỉ ra rằng nước này sẽ rút khỏi TPP. Nếu không có sự tham gia của Mỹ, hiệp định này không thể có hiệu lực. Vẫn còn nhiều sáng kiến hội nhập khu vực khác đang được tiến hành, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và đề xuất lập ra Khu vực tự do thương mại của châu Á - Thái Bình Dương. Singapore sẽ tiếp tục tham gia vào những sáng kiến này".
Liệu TPP có bị "khai tử"?
Trong tình hình hiện tại, câu trả lời có thể là "có". Bất chấp việc lãnh đạo các nước muốn hồi sinh TPP, hiệp định này vẫn sẽ không có hiệu quả mạnh như ban đầu. "Mặc dù 11 nước thành viên TPP có thể tạo ra một thỏa thuận tương đương mà không có sự tham gia của Mỹ nhưng những lợi ích kinh tế sẽ sụt giảm đáng kể. Nếu họ tiếp tục hiệp định, có khả năng các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác sẽ tham gia và nâng tầm quan trọng của TPP" - ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế của công ty IHS Global Insight tại châu Á -Thái Bình Dương, trả lời đài CNN trong một email.
Nếu xét theo góc độ chuyên môn, hồi sinh TPP là điều gần như bất khả thi. Điều 30.5 của hiệp định quy định TPP phải được phê chuẩn bởi ít nhất 6 nước có tổng GDP chiếm 85% tổng GDP của 12 thành viên TPP. Điều này có nghĩa là cả Mỹ và Nhật Bản phải thông qua TPP theo hình thức hiện tại để hiệp định này có hiệu lực.
Các nước khác có thể quay lại bàn đàm phán và sửa chữa các điều khoản, bắt đầu từ điều 30.5. Mặc dù về bản chất, hiệp định này không còn là TPP nhưng vẫn sẽ tương tự như TPP.
Therealtz © VietBF