Qatar bị các nước vùng Vịnh tẩy chay là sự kiện lớn trong những ngày qua. Hiện đã co đến 8 nước trừng phạt Qatar vì cho rằng đất nước giàu có tài trợ cho khủng bố. Dư luận đang quan tâm đến những người Việt xa xứ, họ sống thế nào giữa đất nước Qatar?
Trao đổi trực tiếp với PV Báo Lao động sáng 8.6, từ Qatar, anh Lê Văn Việt - lao động Việt Nam đang làm việc tại công trường cảng thành phố Mesaieed - cho biết, mọi công việc và đời sống công nhân không có gì xáo trộn so với thời điểm trước khi xảy ra sự kiện các nước vùng Vịnh “phong toả” Qatar.
Ông Trần Hữu Chung - điều phối lao động Việt Nam tại Công ty Dogus Insaat Ve Ticare A.S Qatar Branch của chủ người Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết, đời sống anh em công nhân vẫn bình thường, hàng hoá và các nhu yếu phẩm vẫn có đầy đủ và không thiếu thốn gì.
Ngoài ra, theo ông Chung, công ty phái cử trong nước và lãnh đạo Cục Quản lí lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) hằng ngày vẫn trao đổi thường xuyên để nắm thông tin. “Tôi và lãnh sự Việt Nam tại Qatar cũng trao đổi thông tin liên tục ”, ông Chung cho hay.
Lao động Việt Nam đang làm việc tại công trường cảng thành phố Mesaieed. Ảnh: Công nhân Lê Văn Việt cung cấp.
Chiều qua, 7.6, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại Qatar. Theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp, hiện có hơn 1.000 lao động của ta đang làm việc tại Qatar. Người lao động chủ yếu làm công việc xây dựng cho các nhà thầu Hy Lạp, Hà Lan, Canada, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Qua thông tin nắm bắt ban đầu, tình hình việc làm, sinh hoạt của người lao động vẫn được đảm bảo bình thường, chưa có biến động hay chịu ảnh hưởng của tình hình tại Qatar.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình và động viên tinh thần người lao động; phối hợp với đối tác và chủ sử dụng tăng cường công tác quản lý người lao động tại nơi làm việc và nơi ở; đồng thời khuyến cáo người lao động giữ liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar, công ty phái cử lao động để được hướng dẫn khi có tình hình mới, tuyệt đối tuân thủ pháp luật nước sở tại và nội quy của công ty sử dụng lao động.
Trường hợp cần sự hỗ trợ, người lao động có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar (điện thoại: +974 4412 8480, +974 4412 8365, +974 4412 8366), hoặc theo đường dây nóng +84 98 7476 466, +84 90 4240 468 hoặc +84 4 39366633 của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Ảnh: Công nhân Lê Văn Việt cung cấp.
Ảnh: Công nhân Lê Văn Việt cung cấp.