Truyền hình VTV đang phát sóng những phim thu hút được rất đông người theo dõi. Nhưng bộ phim như "Người phán xư, Sống chung với mẹ chồng..." đang khiến khán giả đợi từng tập lên sóng.Vũ trụ phim ảnh của Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện.
Ngay khi vừa kết thúc hai tập phim
Sống chung với mẹ chồng và
Người phán xử, nhà sản xuất của Đài truyền hình Việt Nam lập tức tung ra đoạn phim đặc biệt nhằm tri ân khán giả, khi kết hợp các nhân vật của hai phim lại với nhau, tạo ra một màn cross-over chấn động lịch sử phim truyền hình quốc nội.
Nhiều khán giả, người hâm mộ hai bộ phim đã kháo nhau rằng đây chính là "vũ trụ phim ảnh VTV"/"VTV universe", tương tự như Vũ trụ mở rộng DC hay Vũ trụ Marvel.
Trước đây, việc các diễn viên của
Sống chung với mẹ chồng,
Người phán xử xuất hiện không chỉ trong cả hai phim mà còn cả những phim khác lên sóng cùng thời gian như
Cư dân thông thái, Sắc màu phái đẹp đã khiến cho ý tưởng gọi tên "vũ trụ phim ảnh VTV" manh nha.
Tuy nhiên, buộc phải thừa nhân rằng, nếu các diễn viên chỉ đóng một lúc nhiều phim thì chưa thể gọi đó là "vũ trụ phim ảnh". Chẳng qua do nhiều phim hot đồng loạt lên sóng, cộng thêm tâm lý nhìn các vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng thay nhau bành trướng nên khán giả Việt cảm thấy nóng lòng và "tự huyễn" bản thân rằng Việt Nam cũng có một vũ trụ phim ảnh trên truyền hình.
Ấy nhưng mà cuối cùng, trong một diễn biến hoàn toàn bất ngờ và không báo trước, đoạn phim Phan Quân phán xử chuyện mẹ chồng - nàng dâu của Vân và bà Phương xuất hiện. Dù chỉ rất ngắn (hơn 3 phút) và mang tính chất phục vụ khán giả, "just for fun", nhưng ít nhiều nó đã khiến cái vũ trụ mà mọi người hằng trông đợi được khai mở.
Hãy lắng nghe những câu thoại và nhìn những diễn viên cùng nhau xuất hiện trong đoạn phim "giỡn chơi" này, trong đó có cả những người gạo cội, lớn tuổi như NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, NSƯT Trung Anh, khán giả mới thấy thêm yêu nhà sản xuất hai bộ phim này.
Vì sự lắng nghe. Trước nay, không chỉ trong truyền hình mà cả phim điện ảnh Việt, sự "giao tiếp" giữa khán giả và nhà sản xuất gần như không có. Người làm thì cứ làm, người xem cứ xem, người nào chửi cứ chửi. Khán giả thì cho rằng mình bị xem thường, đạo diễn thì than thở không biết khán giả muốn gì. Cứ như thế mà sự ngán ngẩm dần bao trùm lên nền điện ảnh vốn đã bất ổn định của nước ta.
Để rồi hôm nay, khi VFC quyết định thực hiện những đoạn phim dựa trên chính những ý tưởng mà khán giả bình luận hằng ngày trên mạng xã hội, trên chính những đoạn clip chế được cắt ghét từ hai bộ phim của mình, khán giả cảm thấy mình không chỉ được tôn trọng mà còn được yêu chiều. Dù chỉ là một vũ trụ được tạo ra để chiều lòng người hâm mộ, nhưng chiếc cầu giao tiếp giữa bộ phim và khán giả thực sự đã thành hình.
Tưởng tượng có một nhóm bạn nào đó hăng máu thực hiện một đoạn clip như vầy, nó cũng sẽ được chia sẻ và tán thưởng nhưng đó cũng chỉ là một sản phẩm "chế". Được nhìn chính những diễn viên mình yêu thích "tụ" lại với nhau, nói ra những điều mà mình nghĩ chỉ có trong tưởng tượng, thực sự là một món quà xứng đáng cho việc mỗi tối bỏ đi chơi để nằm nhà chờ phim chiếu. Một điểm cộng to bự cho VFC và Đài truyền hình Việt Nam.
Nói rộng ra một chút, hãy nhìn sang các nền điện ảnh nước bạn, mà cụ thể là Hàn Quốc. Nước này rất nổi tiếng với kiểu quay phim cuốn chiếu, tức là quay đến đâu chiếu đến đó. Cách làm này không phải vì ham lợi nhanh hay chụp giựt mà chính là hành động để nhà sản xuất chứng tỏ rằng họ "giao tiếp" với khán giả. Để ngay khi có những tình huống gây phẫn nộ, hay một diễn biến quá đau thương diễn ra, ekip còn xử lí kịp để "biến" ra những thứ khiến khán giả hài lòng hơn.
Ngay cả trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh ở Nhật Bản cũng vậy. Vấn đề sống còn của bộ truyện, hay một nhân vật nào đấy đều dựa vào sự phản hồi của độc giả. Một nhân vật có thể được sống lại nếu như cái chết của họ khiến độc giả đau lòng (chẳng hạn như Kakashi trong manga Naruto), tất nhiên là tác giả phải xử lí thật mượt. Vì phàm là những người làm nghệ thuật cho đại chúng thì phải hiểu được đối tượng mình phục vụ, đó là điều tối quan trọng.
Tóm lại, một hai đoạn clip "fan-service" như "Phán xử mẹ chồng" chưa thể khiến tất cả nhà làm phim hay đạo diễn Việt Nam phải răm rắp nghe ý kiến khán giả, nhưng ít ra nó đã chứng tỏ được với chính người hâm mộ của hai bộ phim này rằng họ đang được tôn trọng.
Nói nghe có vẻ xa vời nhưng biết đâu việc này sẽ trở thành một cột mốc quan trọng cho nền điện ảnh nước nhà, tạo ra những bước thay đổi mới trong công nghiệp sản xuất phim truyền hình tại Việt Nam thì sao?