Như chúng ta đã biêt, Trung Quốc là quốc gia quan hệ thương mại nhiều nhất với Triều Tiên mấy chục năm qua. Để trùng phạt Triều Tiên, Trung Quốc đã áp dụng mạnh mẽ chính sách kinh tế. Điều gì xảy ra sau khi TQ cấm vận nặng nề Triều Tiên?
Than đá là mặt hàng mang về nhiều tiền nhất cho Triều Tiên khi nước này thu được 1,2 tỉ USD từ xuất khẩu than năm 2016.
Công nhân Triều Tiên tại một mỏ than đá.
Lệnh cấm vận của Trung Quốc nhắm vào các ngành công nghiệp sắt, than đá và hải sản của Triều Tiên đang khiến kinh tế Bình Nhưỡng khốn đốn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, liệu cách làm này có thực sự khiến ông Kim Jong-un từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình?
Năm ngoái, Triều Tiên xuất khẩu hơn 1,5 tỉ USD giá trị than đá, quặng sắt, quặng chì và hải sản tới Trung Quốc. Số tiền này tương đương 60% tổng lượng xuất khẩu của Triều Tiên ra thế giới. Có thể thấy, Trung Quốc là bạn hàng rất lớn của Triều Tiên trong bối cảnh bao vây cấm vận.
Nửa đầu năm 2017, xuất khẩu từ Triều Tiên tới Trung Quốc chỉ đạt 474 triệu USD, giảm mạnh so với năm ngoái. Trong số các hàng hóa xuất khẩu, than đá vẫn tạo ra doanh thu lớn nhất khi năm 2016 giúp Bình Nhưỡng thu về 1,2 tỉ USD.
Lệnh cấm vận mới nhất của Trung Quốc khiến Triều Tiên sẽ không thể xuất khẩu than đá sang Trung Quốc cho tới khi Bình Nhưỡng ngừng hoàn toàn chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc trừng phạt mạnh tay tới vậy với Bình Nhưỡng.
Hải sản của Triều Tiên bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Số liệu của các chuyên gia Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã chi từ 1,1 tới 3,2 tỉ USD cho chương trình hạt nhân. Con số chính xác vẫn chưa thể xác định do chính quyền Bình Nhưỡng rất kín kẽ khi tiết lộ thông tin ra ngoài.
Nhà Trắng cho rằng ông Kim đang sở hữu 60 đầu đạn hạt nhân. Nếu thực sự Triều Tiên sở hữu số lượng này, Bình Nhưỡng sẽ cần chi ra từ 18 tới 53 triệu USD cho mỗi đầu đạn, theo CNBC.
Chuyên gia nhận định, lệnh cấm vận mới nhất của Trung Quốc sẽ khiến Bình Nhưỡng mất đi khả năng kiếm tiền từ việc xuất khẩu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch phát triển tên lửa. “Lệnh trừng phạt khiến Triều Tiên không thể kiếm được nhiều tiền vì những sản phẩm như than đá hay thậm chí là hải sản cũng bị cấm xuất khẩu tới Trung Quốc”, Cai Jian, chuyên gia về mối quan hệ Triều Tiên tại đại học Phúc Đán (Trung Quốc) nhận định.
Sun Xingjie, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Cát Lâm (Trung Quốc) nói rằng phần lớn lượng tiền của Triều Tiên phục vụ chương trình quân sự và tầng lớp tinh hoa của nước này. “Lệnh cấm vận của Trung Quốc sẽ khiến chính quyền ông Kim cảm nhận được áp lực thực sự”, chuyên gia Sun nói.
Triều Tiên đổ khá nhiều tiền vào nghiên cứu tên lửa.
Tuy nhiên, chuyên gia quan hệ quốc tế Justin Hastings tại đại học Sydney nghi ngờ việc Trung Quốc có thể áp đặt lệnh cấm trong thời gian dài. “Trung Quốc có thể áp đặt lệnh cấm trong thời gian ngắn, tuy nhiên tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ giảm nhẹ mức độ sau một thời gian nữa. Chưa kể, hàng lậu tuồn vào Trung Quốc vẫn rất phổ biến”.
Chuyên gia Justin cho rằng Bình Nhưỡng sẽ thích nghi với việc bị cấm vận và vẫn kiếm được tiền sau một thời gian chao đảo. Chuyên gia Sun và Cai từ Trung Quốc nói rằng ông Kim đặt sự ổn định chính trị và an ninh quốc gia lên hàng đầu. Do đó, ông sẽ không bao giờ đánh đổi hai điều này lấy bất cứ thứ gì, dù đó là sự tổn hại về mặt kinh tế.