Tiểu đường tuýp 2 là căn bệnh đang tấn công loài người. Sự gia tăng chóng mặt nên bất cứ ai cũng phải lo sợ bị tiểu đường. Vậy làm thế nào để chặn đứng được căn bệnh này?
TS. BS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường chuyển sang ăn khoai, ăn miến dong và kết quả...
Ảnh minh hoạ
Người bị đái tháo đường tăng chóng mặt
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến, đã và đang gia tăng nhanh chóng ở mọi quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, trẻ em bị béo phì, nghiện game và tivi…
Trong đó, chủ yếu là đái tháo đường type 2, chiếm khoảng trên 90%.
Theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế, năm 2013 có 382 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Trong năm 2013, đái tháo đường gây ra tử vong cho 5,1 triệu người và tổn thất khoảng 548 triệu USD cho các chi phí về chăm sóc sức khỏe. Nếu không có hành động để dự phòng bệnh đái tháo đường, sẽ có khoảng 592 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trong vòng chưa đến 25 năm tới.
Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, đái tháo đường sẽ trở thành nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 7 trên thế giới vào năm 2030. Đái tháo đường trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia, chủ yếu qua việc làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Đái tháo đường là một nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, cắt cụt chi và tổn thương thận. Thiếu kiến thức về bệnh đái tháo đường cùng với việc tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ y tế và thuốc thiết yếu có thể dẫn đến các biến chứng trên.
Đi từ gốc dinh dưỡng
TS Dương cho biết đái tháo đường là bệnh về chuyển hoá và đã là bệnh chuyển hoá thì ta phải điều trị về chuyển hoá, từ chất dinh dưỡng đó là tinh bột, đạm, mỡ. Việc điều chỉnh các chất trong quá trình chuyển hoá nó rất quan trọng.
Từ đó, trong thực tế điều trị đái tháo đường bao giờ cũng là sự thay đổi lối sống, dinh dưỡng, tập luyện đó là nền tảng từ quá trình bắt đầu điều trị cho đến khi bệnh nhân kết thúc cuộc đời. Đó là sự kéo dài chứ không phải chỉ một thời gian ngắn.
TS Dương cho biết, dinh dưỡng luôn được xem là cái gốc của bệnh đái tháo đường. Trong dự phòng trên yếu tố nguy cơ cao của người đái tháo đường như tiền đái tháo đường thì việc điều trị hiện nay vẫn là dinh dưỡng, tập luyện chứ không phải là thuốc nên biện pháp quan trọng nhất vẫn là dinh dưỡng, tập luyện.
Insulin có tác dụng tiết ra đi vào các mô của cơ thể, sống được nhờ tế bào hấp thu đường và đốt cháy thành năng lượng và phải có insulin thì tinh bột mới đi vào trong tế bào nhưng insulin lại tỷ lệ với lượng tinh bột nếu bệnh nhân ăn 1 bát phở khoảng 80 gram tinh bột tương đương với lượng insulin là 10 đơn vị nhưng ngày mai bệnh nhân ăn bát xôi, nhìn thì bé hơn bát phở nhưng bát xôi có lượng tinh bột cao hơn lên đến 120 gram, 10 đơn vị insulin không đủ phải tăng lên, ngày hôm sau ăn cháo chỉ có lượng tinh bột 30 – 40 gram thì insulin sẽ giảm và người bệnh phải biết các ngưỡng tinh bột cần để điều hoà được chế độ dinh dưỡng cho mình.
Với trẻ nhỏ, TS Dương cho biết có những em bé 11, 12 tuổi bị đái tháo đường tuyp 2 suốt ngày các cháu chỉ học, không có thời gian tập luyện, ăn lại nhiều thực phẩm năng lượng cao như bánh mì, xôi thịt, thức ăn nhanh và khi các cháu vào viện bắt buộc phải tiêm insulin nhưng sau khi được bác sĩ tư vấn kỹ dinh dưỡng và tập luyện thì có những cháu 5 năm không phải dùng thuốc nữa.
Để được như thế, bố mẹ phải làm cùng con cho con chế độ dinh dưỡng phù hợp, đi tập thể dục cùng con. Nếu bố mẹ không đồng hành cùng con trong điều trị đái tháo đường tuyp 2 thì cũng không có tác dụng bởi vì trẻ nhỏ chưa ý thức được bệnh tật mức độ nguy hiểm của đái tháo đường.
Trong tinh bột có thể từ cơm gạo, khoai sọ, miến dong… Tuy nhiên, có bệnh nhân dù bác sĩ hướng dẫn không để ý nhưng khi được bệnh nhân khác rỉ tai ăn miến dong thì lại cứ đi ăn miến dong. Trong khi đó, trong ngành y miến dong chỉ sử dụng cho các bệnh nhân bị bệnh thận. Lượng tinh bột ở miến dong còn cao hơn ăn phở.
TS. Dương vẫn gặp bệnh nhân đường huyết cao, người vẫn tăng cân dù bệnh nhân nói đã hạn chế ăn cơm thậm chỉ nhịn cơm nhưng khi hỏi ra thì bệnh nhân chuyển từ cơm sang ăn khoai sọ, khoai môn hàng ngày. TS Dương cho biết, đây là quan niệm sai lầm bởi vì khoai sọ dù gây tăng đường huyết chậm hơn cơm trắng nhưng nếu ăn quá dư thừa thì vẫn gây tăng đường huyết.
VietBF © sưu tập