Donald Trump:Chúa phù hộ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Chúa phù hộ cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
Rõ ràng Tổng thống Donald Trump đã dành nhiều tình cảm và công sức cho châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì thế, ngay khi đến Đà Nẵng, ông đã có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Ariyana. Chúng tôi xin đăng lại toàn bộ nội dung bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump được dịch ra tiếng Việt để các bạn đọc và suy ngẫm.
"Hoa Kỳ luôn tự hào là một thành viên của cộng đồng các quốc gia đang tạo dựng một ngôi nhà chung ở Thái Bình Dương", Tổng thống Mỹ nói (Ảnh: Reuter)
Tôi rất vinh dự được có mặt tại Việt Nam - trái tim của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để phát biểu trước các lãnh đạo các nền kinh tế trong khu vực. Đây là một tuần rất đáng chú ý của Mỹ tại khu vực tuyệt vời như thế này trên thế giới. Khởi đầu từ Hawaii, Melania và tôi đã đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và giờ là Việt Nam để có mặt tại đây với tất cả các bạn.
Trước khi bắt đầu, tôi muốn nhắc đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bão Damrey. Người dân Mỹ đang cầu nguyện cho các bạn và cho sự khôi phục của các bạn trong những tháng sắp tới. Trái tim của chúng tôi cùng nhịp đập với những người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của trận bão kinh hoàng. Chuyến thăm của tôi diễn ra vào một thời điểm hết sức thú vị đối với Hoa Kỳ. Một niềm lạc quan mới đang tràn ngập trên khắp đất nước. Kinh tế Hoa Kỳ tăng 3,2% và tiếp tục gia tăng. Tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 17 năm qua.
Thị trường chứng khoán ở mức cao nhất từ trước đến nay và cả thế giới đang vui mừng vì sự đổi mới của Hoa Kỳ. Bất kỳ nơi nào tôi có mặt trong chuyến công du này, tôi cũng cảm thấy rất hài lòng được chia sẻ những tin tức tốt lành từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi còn cảm thấy vinh hạnh hơn nữa khi có thể chia sẻ tầm nhìn của chúng ta vì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở - nơi mà các quốc gia tự chủ và độc lập, với những nền văn hóa đa dạng và những ước mơ hết sức khác biệt có thể đồng thời phát triển và nở rộ trong tự do và hòa bình.
Tôi rất phấn khởi khi có mặt tại APEC, bởi tổ chức này được thành lập cũng vì chính mục đích này. Hoa Kỳ luôn tự hào là một thành viên của cộng đồng các quốc gia đang tạo dựng một ngôi nhà chung ở Thái Bình Dương. Chúng tôi đã luôn là một đối tác tích cực trong khu vực kể từ khi giành được độc lập. Từ năm 1784, chiếc tàu Hoa Kỳ đầu tiên đã đến Trung Quốc từ một Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vừa mới được độc lập. Chiếc tàu này mang theo nhiều hàng hóa để bán tại châu Á và trở về với đầy đồ gốm sứ và trà tại đây. Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ George Washington cũng đã sở hữu một bộ ấm chén từ chính con tàu này.
Đến năm 1804, Thomas Jefferson đã cử 2 nhà thám hiểm Lewis và Clark đến bờ biển Thái Bình Dương. Họ chính là những người đầu tiên trong số hàng triệu người Mỹ dám mạo hiểm vượt bờ Tây để làm sống dậy tinh thần khám phá lục địa rộng lớn của chúng ta.
Đến năm 1817, Quốc hội Hoa Kỳ đã lần đầu tiên phê chuẩn việc điều một chiếc tàu chiến của Mỹ đến Thái Bình Dương và hiện diện thường trực tại đó. Sáng kiến về sự hiện diện Hải quân này nhanh chóng phát triển thành một hải đội rồi một hạm đội để đảm bảo tự do hàng hải cho số lượng tàu bè vượt biển lớn đến các thị trường Philippines, Singapore và Ấn Độ tăng lên nhanh chóng sau đó. Năm 1818, chúng tôi bắt đầu thiết lập quan hệ với Thái Lan và 15 năm sau, 2 nước đã ký một hiệp ước hữu nghị và thương mại - hiệp ước đầu tiên của Hoa Kỳ với một quốc gia châu Á.
Trong thế kỷ tiếp theo, khi các cường quốc đế quốc đe dọa đến khu vực, Hoa Kỳ đã chấp nhận rút lui bất chấp những tổn thất to lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng, an ninh và thịnh vượng phụ thuộc vào hành động này của Hoa Kỳ. Từ lâu, chúng tôi đã luôn là bạn bè, đối tác và đồng minh tại Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ luôn là bạn bè, đối tác và đồng minh tại Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian tới. Là những người bạn cũ trong khu vực, không nước nào vui mừng hơn Hoa Kỳ khi chứng kiến, giúp đỡ và chia sẻ về sự phát triển mạnh mẽ mà các bạn đã đạt được trong hơn nửa thể kỷ qua. Việc các quốc gia và các nền kinh tế có mặt ngày hôm nay tạo dựng lên một khu vực thịnh vượng trên thế giới không hề là một điều thần kỳ.
Câu chuyện về sự phát triển của khu vực trong vài thập niên qua là câu chuyện về việc người dân có thể làm được gì khi họ được quyền làm chủ tương lai. Chỉ một thế hệ trước, khó ai có thể hình dung về việc các nhà lãnh đạo của các quốc gia và nền kinh tế có thể tụ họp tại Đà Nẵng để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, mở rộng quan hệ đối tác và chúc mừng những thành tựu lớn lao của người dân trong khu vực. Thành phố này từng là nơi đóng quân của một căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, nơi rất nhiều người Mỹ và người Việt Nam thiệt mạng trong một cuộc chiến đẫm máu. Ngày hôm nay, chúng ta không còn là kẻ thù, chúng ta đã trở thành những người bạn. Thành phố cảng Đà Nẵng đã nhộn nhịp tàu thuyền từ khắp nơi trên thế giới đến.
Các kiệt tác công trình như Cầu Rồng chào đón hàng triệu du khách đến thăm những bãi biển tuyệt đẹp, nắng vàng và các di tích cổ kính. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gần 50% dân số Việt Nam chỉ kiếm được vài USD/ngày và 1/4 dân số không có điện. Ngày nay, nền kinh tế cởi mở của Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên Trái đất. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 30 lần và các sinh viên Việt Nam nằm trong số những sinh viên giỏi nhất trên thế giới. Điều này thật ấn tượng.
Câu chuyện về sự thay đổi thần kỳ này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà ở khắp khu vực. Trong vài thập kỷ qua, Indonesia đã xây dựng được các thể chế dân chủ trong nước để quản lý tới hơn 13.000 hòn đảo. Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, người dân Indonesia đã vươn lên từ đói nghèo trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trong khối G20. Ngày nay, Indonesia là nền dân chủ lớn thứ 3 trên thế giới.
Philippines cũng đã nổi lên là một quốc gia đáng tự hào với những gia đình giàu mạnh và sùng đạo. Trong gần 11 năm qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá Philippines là một trong những quốc gia hàng đầu tại châu Á trong việc xóa bỏ khoảng cách về giới và ủng hộ phụ nữ lãnh đạo cả trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Vương quốc Thái Lan cũng đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình khá chỉ trong vòng một thế hệ. Thành phố tráng lệ Bangkok là một trong những thành phố thu hút du khách nhất trên Trái đất. Đây là một điều hết sức ấn tượng dù không có nhiều người có mặt tại đây đến từ Thái Lan.
Malaysia cũng đã phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua và là một trong những địa điểm tuyệt vời nhất trên thế giới để kinh doanh. Tại Singapore, những người từng sinh ra trong những gia đình chỉ kiếm được 500USD/năm, giờ lại nằm trong số những người kiếm được nhiều tiền nhất trên thế giới- sự thay đổi này là nhờ tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu về quản trị trung thực và thượng tôn pháp luật và con trai ông hiện đang làm được những điều thần kỳ. Khi tôi theo dõi tình hình tại Hàn Quốc trong thời gian qua, tôi nhận thấy người dân tại nền Cộng hòa này từ chỗ đói nghèo do chiến tranh chỉ trong vài thập kỷ đã trở thành một trong những nền dân chủ giàu nhất thế giới.
Ngày nay, người dân Hàn Quốc có mức thu nhập cao hơn cả nhiều nước trong Liên minh châu Âu và tôi rất vui khi được đàm đạo với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Mọi người cũng đều biết đến những thành tựu hết sức ấn tượng của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua. Trong giai đoạn cải cách thị trường mạnh mẽ đó - rất nhiều nơi tại Trung Quốc đạt được sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, việc làm nở rộ và hơn 800 triệu dân Trung Quốc thoát khỏi nghèo đói. Tôi chỉ vừa rời Trung Quốc sáng nay sau khi có cuộc gặp mang tính xây dựng và được đón tiếp trọng thị bởi lãnh đạo nước chủ nhà ông Tập Cận Bình.
Và, trong chặng dừng chân đầu tiên của mình tại Nhật Bản, chúng tôi đã chứng kiến một nền dân chủ năng động tại một đất nước của những sự thần kỳ về công nghiệp, công nghệ và văn hóa.
Chỉ chưa đầy 60 năm, quốc đảo này đã sản sinh ra 24 nhân vật đoạt giải Nobel về những thành tựu trong vật lý, hóa học, y tế, văn học và thúc đẩy hòa bình. Tôi và Thủ tướng Shinzo Abe chia sẻ với nhau rất nhiều vấn đề. Tại khu vực rộng lớn này, các quốc gia ngoài APEC cũng đang đạt được những bước tiến lớn mở ra một chương mới cho Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương.
Ấn Độ đang kỷ niệm 70 năm độc lập. Ấn Độ là một nền dân chủ có chủ quyền với dân số hơn 1 tỷ người. Nền dân chủ lớn nhất trên thế giới. Kể từ khi Ấn Độ mở cửa kinh tế, nước này đã đạt được mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, mở ra cả một thế giới mới đầy cơ hội cho tầng lớp trung lưu. Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nỗ lực để mang lại kết quả đó cho người dân tại quốc gia rộng lớn này và trên thực tế ông ấy đã rất thành công.
Như chúng ta có thể thấy, ngày càng nhiều nơi trong khu vực, người dân tại các quốc gia có chủ quyền và độc lập đang giành lấy quyền kiểm soát số phận của mình cũng như khai mở tiềm năng của họ. Họ đã luôn theo đuổi tầm nhìn về công lý và minh bạch, thúc đẩy sở hữu tư nhân và tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như ủng hộ những hệ thống đánh giá cao những người nỗ lực vì công việc và các doanh nghiệp tư nhân. Họ tạo dựng doanh nghiệp, xây dựng thành phố và thậm chí là cả quốc gia từ những nền móng ban đầu.
Rất nhiều người có mặt tại đây ngày hôm nay đã tham gia vào những dự án kiến thiết đất nước vĩ đại. Những dự án này được các bạn lên ý tưởng và hoàn thành, biến ước mơ thành sự thật. Với sự giúp đỡ của các bạn, toàn bộ khu vực này đã phát triển và tiếp tục phát triển trở thành một chòm sao đẹp với mỗi quốc gia là một ngôi sao sáng chứ không phải là vệ tinh của một quốc gia khác. Mỗi ngôi sao này lại là một dân tộc, một văn hóa, một lối sống và một ngôi nhà.
Các bạn - những người đã sống qua giai đoạn chuyển mình này hiểu rõ hơn ai hết về những giá trị mà các bạn đạt được. Các bạn cũng hiểu rõ rằng, ngôi nhà của các bạn chính là di sản của các bạn và các bạn sẽ luôn phải bảo vệ nó. Trong tiến trình phát triển kinh tế, chúng tôi tìm cách giao thương với các nước khác và thiết lập mối quan hệ hữu nghị dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau hướng tới đạt được những lợi ích chung.
Ngày hôm nay, tôi có mặt tại đây để mời gọi các bạn tham gia vào mối quan hệ đối tác mới với Hoa Kỳ để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị và thương mại với mọi quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thúc đẩy thịnh vượng và an ninh. Điều cốt yếu của mối quan hệ đối tác này là chúng ta sẽ hướng tới mối quan hệ thương mại tốt đẹp xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng và có đi có lại. Khi Hoa Kỳ tham gia vào mối quan hệ thương mại với các nước khác, hoặc với những dân tộc khác, chúng tôi, kể từ thời điểm này, kỳ vọng rằng, đối tác của chúng tôi sẽ tuân thủ chặt chẽ nhưng quy định giống như chúng tôi sẽ làm.
Chúng tôi kỳ vọng rằng, các thị trường sẽ rộng mở ở mức độ đem lại công bằng cho cả hai bên và nền công nghiệp tư nhân chứ không phải các nhà hoạch định kế hoạch của Chính phủ sẽ là người định hướng đầu tư. Đáng tiếc là từ rất lâu rồi, tại rất nhiều nơi, điều ngược lại đang diễn ra. Từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã mở cửa nền kinh tế của mình một cách có hệ thống mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Chúng tôi đã hạ hoặc chấm dứt đánh thuế, giảm các rào cản thương mại và cho phép hàng hóa nước ngoài nhập khẩu một tự do vào Hoa Kỳ.
Nhưng trong khi chúng tôi hạ các rào cản về thị trường, các nước khác lại không chịu mở cửa thị trường cho chúng tôi. Điều này thật hài hước. Họ cho rằng, họ phải là một bên được hưởng lợi từ điều này. Các nước này được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giang tay chào đón dù họ không hề tôn trọng các nguyên tắc của WTO. Nói đơn giản, chúng tôi đã không được WTO đối xử công bằng.
Các tổ chức như WTO chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu mọi thành viên tuân thủ các nguyên tắc và tôn trọng quyền chủ quyền của mọi thành viên. Chúng ta không thể mở cửa thị trường nếu chúng ta không đảm bảo được quyền tiếp cận thị trường một cách công bằng. Cuối cùng, thương mại bất bình đẳng sẽ khiến tất cả chúng ta bị thua thiệt. Hoa Kỳ luôn thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, cải cách và công nghiệp. Các nước khác lại áp dụng công nghiệp kế hoạch do Chính phủ vận hành và các doanh nghiệp nhà nước.
Chúng tôi tuân thủ các nguyên tắc của WTO về bảo hộ sở hữu trí tuệ và đảm bảo quyền tiếp cận thị trường công bằng và bình đẳng trong khi các nước khác bán phá giá, trợ giá hàng hóa, thao túng tiền tệ và theo đuổi các chính sách tận diệt nền công nghiệp. Họ phớt lờ các nguyên tắc để kiếm lợi từ những người tuân thủ các quy định này và gây ra sự méo mó nghiêm trọng về thương mại, đe dọa đến nền móng của thương mại quốc tế. Hành vi này, cùng với việc chúng ta thất bại trong việc đồng lòng phản ứng với họ đã gây tổn hại cho nhiều người dân tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Việc làm, nhà máy và nền công nghiệp tuột ra khỏi Hoa Kỳ và chảy đến những nước khác.
Rất nhiều cơ hội đầu tư vì lợi ích chung cũng đã biến mất bởi người ta không thể tin tưởng vào hệ thống hiện nay. Chúng ta không thể mãi dung thứ nạn lạm dụng thương mại kinh niên này và chúng ta sẽ không tha thứ cho họ. Bất chấp việc họ thất hứa trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn được họ hứa hẹn rằng, một ngày nào đó, mọi người cư xử một cách bình đẳng và có trách nhiệm hơn. Người dân Mỹ và các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã chờ đợi ngày này đến. Nhưng nó không bao giờ đến. Đó chính là lý do tôi có mặt tại đây để nói thẳng về những thách thức chung và những việc phải làm vì một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả chúng ta.
Tôi vừa có một chuyến công du Trung Quốc tuyệt vời và tôi đã trao đổi cởi mở và thẳng thắn với Chủ tịch Tập Cận Bình về tình trạng thương mại bất bình đẳng tại Trung Quốc cũng như mức thâm hụt rất lớn về thương mại mà Trung Quốc gây ra cho Hoa Kỳ. Tôi cũng đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Trung Quốc để có thể đạt được mối quan hệ thương mại dựa trên sự bình đẳng và công bằng thực sự.
Tình trạng mất cân đối thương mại hiện nay là không thể chấp nhận được. Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác vì đã kiếm lợi từ thương mại với Hoa Kỳ. Nếu các đại diện thương mại của họ cảm thấy ổn khi làm điều này, họ sẽ làm thôi. Tôi ước rằng, các chính quyền tiền nhiệm của Hoa Kỳ hiểu được điều gì đã xảy ra và hành động. Họ đã không làm như vậy nhưng tôi sẽ làm. Từ giờ trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng.
Chúng ta sẽ không để Mỹ bị trục lợi nữa. Tôi sẽ luôn tìm cách đưa Hoa Kỳ vượt lên trên hết và tôi kỳ vọng tất cả các bạn có mặt trong căn phòng này ngày hôm nay cũng đặt đất nước mình lên trên hết. Hoa Kỳ đang chuẩn bị làm việc với từng vị lãnh đạo có mặt trong căn phòng này ngày hôm nay để đạt được những lợi ích chung về thương mại vì lợi ích của đất nước các bạn và của tôi. Đó là thông điệp mà tôi muốn chia sẻ. Tôi sẽ ký kết các hiệp định thương mại song phương với bất kỳ quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác thương mại của chúng tôi và sẽ tuân thủ các nguyên tắc về thương mại bình đẳng và có đi có lại.
Chúng tôi sẽ không tham gia vào các thỏa thuận lớn khiến chúng tôi bị trói tay, hy sinh chủ quyền của mình và khiến việc thực thi các nguyên tắc về công bằng thương mại trở thành bất khả thi. Thay vì thế, chúng tôi sẽ chỉ ký kết dựa trên việc tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung. Chúng tôi sẽ tôn trọng quyền độc lập và chủ quyền của các bạn. Chúng tôi muốn các bạn nên mạnh mẽ, thịnh vượng và tự chủ bắt nguồn từ chính lịch sử của các bạn và phát triển hướng tới tương lai. Đó là cách chúng ta phát triển cùng nhau thông qua việc trở thành đối tác vì những giá trị thực chất và bền vững.
Tuy nhiên, để đạt được giấc mơ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương này, để biến nó thành hiện thực, chúng ta cần phải đảm bảo rằng, tất cả các bên tham gia tuân thủ luật chơi - điều mà giờ họ vẫn chưa làm. Những nước làm được điều này sẽ trở thành đối tác kinh tế thân thiết nhất của Hoa Kỳ. Những nước không làm như vậy chắc chắn phải hiểu rằng, Mỹ không còn nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm, dối lừa hoặc xâm lăng kinh tế nữa. Những ngày đó đã qua rồi.
Chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ trắng trợn. Chúng tôi sẽ đối đầu với những hành vi phá hoại nhằm buộc doanh nghiệp phải dâng hiến công nghệ cho nhà nước và buộc họ phải tham gia vào các liên doanh chỉ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường. Chúng tôi sẽ giải quyết tình trạng bảo trợ công nghiệp thông qua các tập đoàn nhà nước khổng lồ chèn ép buộc các đối thủ tư nhân phải rời khỏi cuộc chơi - điều này đã liên tục diễn ra.
Chúng tôi sẽ không mãi yên lặng trước việc các công ty của Hoa Kỳ bị các tập đoàn nhà nước nhắm đến vì lợi ích kinh tế thông qua các cuộc tấn công mạng, gián điệp kinh tế hay các hành vi chống cạnh tranh. Chúng tôi sẽ khuyến khích mọi quốc gia lên tiếng khi việc tôn trọng các nguyên tắc công bằng và có đi có lại bị vi phạm.
Chúng tôi hiểu rằng, Hoa Kỳ có lợi ích trong việc tìm kiếm các đối tác trong khu vực đang phát triển thịnh vượng và không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định dựa trên ý đồ về quyền lực và bảo hộ. Chúng tôi sẽ không bao giờ yêu cầu các đối tác của mình từ bỏ quyền tự chủ, tính riêng tư và quyền sở hữu trí tuệ của họ cũng như không dành riêng bất kỳ hợp đồng nào cho các nhà cung cấp của nhà nước. Chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực tư nhân và hợp tác với các bạn để tạo ra công ăn việc làm và sự thịnh vượng cho tất cả chúng ta.
Chúng tôi tìm kiếm đối tác mạnh, chứ không phải là đối tác yếu. Chúng tôi tìm kiếm láng giềng mạnh, chứ không phải là láng giềng yếu. Trên hết, chúng tôi tìm kiếm tình bằng hữu, chúng tôi không mơ đến việc thống trị. Chính vì lý do đó, chúng tôi đã tái tập trung vào những nỗ lực phát triển sẵn có của mình. Chúng tôi kêu gọi Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hướng nỗ lực của mình vào đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao để thúc đẩy phát triển kinh tế. Mỹ cũng sẽ thực thi trách nhiệm của mình.
Chúng tôi cam kết cải cách các thể chế tài chính phục vụ cho phát triển để họ có thể hỗ trợ tốt hơn những sáng kiến đầu tư vào khu vực tư nhân tại các nền kinh tế của các bạn và mang đến sự thay thế mạnh mẽ cho những sáng kiến mang tính định hướng của nhà nước bị gắn kèm rất nhiều sợi dây.
Đó chính là những cảm xúc bỏng cháy trong trái tim mọi nhà ái quốc và mọi dân tộc. Chủ nhà Việt Nam hiểu được cảm xúc này không chỉ từ 200 năm trước mà từ 2.000 năm. Đó là vào năm 40 sau CN khi Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần của người dân trên đất nước này. Đó cũng là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đòi độc lập và phẩm giá của mình.
Ngày hôm nay, những nhà yêu nước và anh hùng trong lịch sử của chúng ta giữ câu trả lời đó cho câu hỏi lớn về tương lai và thời đại của chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta là ai và sứ mệnh của chúng ta là gì. Cùng với nhau, chúng ta sẽ có được sức mạnh để nâng đỡ mọi người và đưa thế giới của chúng ta lên tầm cao mới, tầm cao mà chúng ta chưa bao giờ đạt được. Hãy để chúng ta lựa chọn tương lai của chủ nghĩa ái quốc, sự thịnh vượng và niềm tự hào. Hãy để chúng ta lựa chọn thịnh vượng và tự do thay vì nghèo đói và quy phục. Hãy để chúng ta lựa chọn một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng, trên thế giới có rất nhiều nơi chốn, nhiều ước mơ và nhiều con đường. Nhưng, trên khắp thế giới sẽ chẳng nơi nào giống như nhà mình. Chính vì thế, vì gia đình, vì quốc gia, vì tự do, vì lịch sử và vinh danh Chúa, hãy bảo vệ ngôi nhà của chúng ta và hãy yêu quý ngôi nhà của chúng ta ngày hôm nay và cho muôn đời sau. Xin cảm ơn. Chúa phù hộ cho các bạn. Chúa phù hộ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Chúa phù hộ cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Cảm ơn rất nhiều.
Diễn Đàn Người Việt Hải Ngoại. Tự do ngôn luận, an toàn và uy tín. Vì một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ Việt Nam hãy ghé thăm chúng tôi, hãy tâm sự với chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút có thể. VietBF.Com Xin cám ơn các bạn, chúc tất cả các bạn vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Welcome to Vietnamese American Community, Vietnamese European, Canadian, Australian Forum, Vietnamese Overseas Forum. Freedom of speech, safety and prestige. For a beautiful future for Vietnamese generations, please visit us, talk to us every day, every hour and every moment possible. VietBF.Com Thank you all and good luck.