Sóng sát thủ được công nhận là "hung thủ" gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm ngoài biển. Sóng này có thể cao đến 30m, nuốt chìm tàu trong giây lát. Nhiều siêu tàu đã mất tích được cho là gặp con sóng đáng sợ này.
Mới đây, Sputniknews có một bài viết về một loại sóng sát thủ, cao hàng chục mét, có khả năng "nuốt gọn" và nhấn chìm tàu thuyền xuống dòng nước dữ khi di chuyển trên vùng đại dương sâu thẳm.
Sputniknews dẫn lời nữ tác giả cuốn sách "The Mysterium", bà Jo Keeling rằng, "Cứ mỗi tuần lại có vài tàu thuyền bị mất tích đột ngột khi di chuyển trên vùng biển đâu đó trên đại dương. Rất có thể, "thủ phạm" đến từ những con sóng sát thủ/sóng quái vật."
Sát thủ thầm lặng trên biển - Sau hơn 500 năm mới được khoa học công nhận
Vấn đề là, từ trước đó rất lâu, người ta không tin vào sự tồn tại của sóng sát thủ, mặc dù đã từng có ghi chép của nhà thám hiểm người Ý Christopher Columbus năm 1498 về con sóng cao hung tợn ở vùng eo biển mà về sau ông gọi với cái tên "Bocas del Dragón" (tạm dịch: Miệng Rồng).
Bởi, họ cho rằng, sóng sát thủ chỉ là sự ảo tưởng của những người đi biển, vì sự xuất hiện của nó không tuân theo bất kỳ quy luật sóng biển nào, và cũng không có đầy đủ bằng chứng chứng minh nó tồn tại và đe dọa đến tính mạng con người và tàu thuyền.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu công bố tháng 6/2008 của dự án MAXWAVE (Sóng cực đại) thuộc Viện kỹ thuật biển (ICR) của Đức phối hợp với 2 vệ tinh của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã ghi nhận được những ngọn sóng sát thủ có chiều cao hơn 25m xuất hiện trên đại dương.
Phát hiện này khiến các nhà khoa học phải nhìn nhận lại nguyên nhân khiến cho hơn 200 siêu tàu vận tải mất tích bí ẩn trong suốt 20 năm qua. (Số liệu do Viện kỹ thuật biển (ICR) Đức đưa ra).
Giới khoa học bắt đầu tin vào sự tồn tại của sóng sát thủ. Theo đó, Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) dẫn lời các nhà khoa học nói về khái niệm của sóng sát thủ: Rogue wave là sóng độc hay sóng sát thủ/hoặc Monster wave (sóng quái vật) là một loại sóng xuất hiện bất ngờ, đơn độc trên biển ở vùng nước sâu, có kích thước khổng lồ, cao từ 20 đến 30m, giống như một bức tường nước khổng lồ.
Loại sóng sát thủ này hoàn toàn có thể trở thành mối hiểm họa khôn lường đối với tàu thuyền, thậm chí là những siêu tàu vận tải có kích thước lớn.
Vậy là, sau hơn 500 năm (kể từ ngày có ghi chép của Columbus về loại sóng khổng lồ năm 1498 đến kết quả khoa học của Viện kỹ thuật biển Đức năm 2008), "số phận" của loại sóng đáng sợ này mới được nhìn nhận đúng đắn.
Sóng sát thủ thực sự là "cơn ác mộng" của những người đi biển. Ảnh minh họa
Vấn đề đặt ra là, liệu sóng sát thủ có phải là "thủ phạm" gây ra các vụ mất tích không dấu vết của tàu thuyền trên các vùng đại dương trên thế giới hay không?
Sức mạnh không thể địch nổi của sóng sát thủ
Quay trở lại vấn đề sóng sát thủ có thể là nguyên nhân khiến cho tàu thuyền mất tích không dấu vết trên biển, bà Jo Keeling cho biết:
"Các xưởng đóng tàu trên thế giới thường sử dụng một mô hình "mẫu chung" để đóng tàu, kèm theo đó là lý giải cách thức hoạt động của sóng biển. Tuy nhiên, với mô hình "mẫu chung" này thì sóng sát thủ "không tồn tại". Nghĩa là không có bất cứ loại tàu thuyền nào được thiết kế để chịu được sóng sát thủ.
Và thực tế là, mỗi tuần lại có 2 đến 3 tàu mất tích mà chúng ta không thể biết được nguyên nhân đến từ đâu. Có thể là do các nguyên nhân khác (thời tiết xấu, bão biển...), cũng có thể là do sóng sát thủ, nhưng tàu thuyền thì cứ mất tích, còn chúng ta chẳng có nhân chứng thuật lại."
Nói về sức mạnh "không thể địch nổi" của sóng sát thủ, bà Jo Keeling nhấn mạnh: "Sóng sát thủ thực sự là một kẻ sát thủ đáng sợ. Nó có sức mạnh bằng 100 tấn trên một mét vuông, trong khi con tàu mạnh nhất mà con người từng đóng được chỉ chịu được sức mạnh của 15 tấn (không bị hư hại) hoặc 30 tấn (bị hư hại ít nhiều).
Với sức mạnh 100 tấn đó, sóng sát thủ có thể bẻ làm đôi một con tàu cỡ lớn rồi nhanh chóng nhấn chìm tất cả mọi thứ xuống luồng nước cuộn xiết."
Tác giả cuốn sách "The Mysterium" nói thêm rằng, sóng sát thủ có thể là nguyên nhân giải thích cho hàng loạt các vụ mất tích tàu thuyền bí ẩn nhiều năm qua. Đơn cử như vụ siêu tàu chở quặng-dầu mang cờ Anh có tên MV Derbyshire bị chìm ngoài khơi Nhật Bản ngày 9/9/1980, khiến tổng 44 người thiệt mạng.
Với tổng trọng lượng lên đến 91.655 tấn, MV Derbyshire đến nay vẫn là con tàu chở hàng lớn nhất của Anh bị mất trên biển.
Những vụ tai nạn hàng hải được cho là do sóng sát thủ gây nên
Vào năm 2007, chuyên gia Paul Liu làm việc tại Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đã thống kê khoảng 50 vụ tai nạn hàng hải liên quan đến sóng sát thủ.
Dưới đây là một số vụ tai nạn tiêu biểu:
Năm 1498: Trên chuyến hải trình đến châu Mỹ lần thứ ba của nhà thám hiểm người Ý Christopher Columbus (1451 – 1506), ông có ghi chép về một cơn sóng dữ, khổng lồ "tấn công" con tàu của ông ngay trong đêm khi cả đoàn đang đi qua vùng eo biển gần Trinidad.
Về sau, Columbus gọi vùng biển mà ông và đoàn thủy thủ đụng độ cơn sóng dữ đó là Bocas del Dragón (Miệng Rồng).
Hình ảnh minh họa.
Năm 1853: Con tàu Annie Jane chở theo 500 người di cư từ Anh đến Canada cũng đụng độ với sóng dữ. Chỉ 100 người may mắn sống sót. Đây được xem là một trong những vụ tai nạn hàng hải tồi tệ nhất của nước Anh.
Năm 1909: Con tàu chạy bằng hơi nước SS Waratah của Anh đã mất tích cùng hơn 200 người trên tàu trong chuyến hải trình từ Durban đến Cape Town (Nam Phi) ngoài khơi bờ biển Nam Phi. Vùng biển này nổi tiếng với những tai nạn liên quan đến sóng sát thủ.
Năm 1943: Hai con sóng quái vật liên tiếp gây hư hại nặng nề cho con tàu du lịch hạng sang Queen Elizabeth khi con tàu băng qua vùng biển Bắc Đại Tây Dương. Sức mạnh của các con sóng làm phá vỡ toàn bộ cửa sổ của con tàu cao 28m so với mặt nước biển.
Năm 1978: Tàu hải quân chở dầu cực lớn MS München của Đức mất tích không dấu vết trong một cơn bão Bắc Đại Tây Dương trên đường đi từ Bremerhaven (Đức) đến Savannah (Mỹ). Tất cả những gì còn sót lại của con tàu là bè và phao cứu hộ.
Năm 2001: Hai tàu du lịch hạng sang là MS Bremen và Caledonian Star đã bị phá hủy nặng nề bởi một con sóng sát thủ cao 30m tại vùng biển Nam Đại Tây Dương.
VietBF © Sưu Tầm