Chưa thể xác định được ai đã xuất khẩu cho Triều Tiên những máy bay trực thăng do Mỹ sản xuất. Bình Nhưỡng đang sở hữu đến 87 chiếc máy bay Mỹ. Chúng đã từng xuất hiện trong cuộc diễu binh kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên kết thúc tại thủ đô Bình Nhưỡng, yạp chí National Interest đưa tin.
Vào ngày 27.07.2013, trong lúc một đơn vị xe bọc thép và xe tăng chạy qua quảng trường lớn tại Bình Nhưỡng trong cuộc diễu binh kỷ niệm 60 năm ngày Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, 4 trực thăng MD 500E do Mỹ sản xuất đã xuất hiện trên trời.
Trực thăng Hughes 500E được vũ trang của Triều Tiên.
Điều này đã xác nhận một thực tế rằng Bình Nhưỡng đã bí mật nhập lậu 87 trực thăng do Mỹ sản xuất ngay trước mũi của Mỹ từ hơn một phần tư thế kỷ trước.
MD 500 là một phiên bản dân sự của trực thăng OH-6 Cayuse mà Quân đội Mỹ đã sử dụng từ thập niên 1960. Có biệt danh là “Quả trứng Bay” do thiết kế có thân máy bay hình trứng khá đặc trưng, nó được dùng để sơ tán binh lính bị thương, hỗ trợ máy bay vận tải, do thám vị trí quân địch và yểm trợ cho binh lính dưới đất bằng các loại súng máy hạng nhẹ. Chúng có giá thành rất rẻ, tốc độ cao và kích thước của nó cho phép nó có thể hạ cánh tại những vị trí mà các trực thăng khác không làm được. Các phiên bản sau này là MH-6 và AH-6 được quân đội Mỹ sử dụng tại Châu Phi và vùng Trung Đông.
Vào những năm 1980, hãng sản xuất McDonnell Douglas đã nhận được một đơn hàng mua 102 trực thăng MD 500 từ một công ty xuất khẩu có tên Delta-Avia Fluggerate, có trụ sở được đăng ký tại Tây Đức. Từ năm 1983 đến 1985, McDonnell Douglas đã bàn giao 86 trực thăng MD 500 và một trực thăng Hughes 300 cho Delta-Avia để công ty này xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Nigeria, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Thế nhưng, vào tháng 2.1985, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ đã phát hiện những sai phạm trong hoạt động của Delta-Avia. Ví dụ, 15 trực thăng đã được tháo dỡ tại Rotterdam, sau đó được chuyển sang tàu chở hàng Prorokov của Liên Xô, tàu này sau đó đã đưa trực thăng tới Triều Tiên. Tương tự, một tàu chở hàng ở Nhật Bản đã chuyển hai trực thăng cho một tàu chở hàng của Triều Tiên tại Hồng Kông.
Như vậy, 87 trực thăng của Mỹ đã bị xuất khẩu trái phép cho Triều Tiên. Sau đó nhiều người cho rằng Fluggeratte đã bí mật làm việc với Triều Tiên và họ được hứa một khoản lợi nhuận 10 triệu USD nếu hoàn thành phi vụ này. Một công ty bảo hiểm tại London khác được cho là cũng biết rõ hoạt động của Fluggeratte và khoản lợi nhuận trên đã được rửa sạch qua các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ. Fluggerratte không bị truy tố khi họ khẳng định các trực thăng MD 500 là máy bay dân sự, do đó chúng không bị cấm cung cấp cho Triều Tiên.
Thậm chí có thông tin được tiết lộ sau này đó là CIA cũng biết được hoạt động buôn lậu này. Hoạt động này do một tùy viên đại sứ quán Triều Tiên tại Berlin (Đức) thực hiện và được hỗ trợ bởi một công ty vận tải do Liên Xô ngầm đứng tên. Tuy nhiên CIA đã không thông báo cho các cấp chính quyền bởi họ không muốn tiết lộ rằng họ đã gài máy nghe trộm trong đại sứ quán.
Trực thăng MD 500 của Mỹ sản xuất, nay đang thuộc sở hữu của Triều Tiên.
Mặc dù MD 500 là một loại trực thăng dân sự, không được trang bị công nghệ quân sự nào đáng kể, song nhiều quốc gia trên thế giới vẫn mua loại trực thăng này với số lượng lớn và trang bị tên lửa cỡ nhỏ và súng máy. Một trong số đó là Hàn Quốc, khi hãng hàng không Korean Air của họ đã bàn giao 270 trực thăng MD 500 cho lực lượng quân đội.
Rất có thể Triều Tiên muốn có MD 500 để ngụy trang cho giống trực thăng Hàn Quốc và vượt qua khu vực Phi Quân sự, tiến hành các cuộc đột kích bất ngờ và cài điệp viên. Triều Tiên có hơn 200.000 lính đặc nhiệm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong trường hợp xảy ra xung đột, Bình Nhưỡng sẽ triển khai hàng ngàn lính đặc nhiệm qua địa đạo, tàu ngầm, các thuyền nhỏ và trực thăng để tập kích vào hệ thống liên lạc và tiếp viên của Hàn Quốc, đồng thời gây ra hoàng mang. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan vì vậy đã bày tỏ sự tức giận đối với Mỹ.
Triều Tiên đã giữ rất kín các thông tin liên quan đến MD 500 trong nhiều thập kỷ, mặc dù một đại tá Triều Tiên đã từng thừa nhận sự tồn tại của các trực thăng này trong một cuộc phỏng vấn với báo Der Spiegel của Đức vào năm 1996. Mãi đến năm 2013, trực thăng này mới xuất hiện công khai trong lễ diễu binh Triều Tiên, và nó một lần nữa xuất hiện tại triển lãm Wonsan 2016 ở Triều Tiên.
Các máy bay MD 500 xuất hiện trong lễ diễu binh đã được cải tạo để mang theo 4 tên lửa chống tăng Susong-Po, một phiên bản tên lửa Malyutka-P của Nga. Tên lửa này được biết đến là loại vũ khí đã tiêu diệt các xe tăng Patton của Israel vào năm 1973. Điều này cho thấy Triều Tiên muốn các trực thăng này có vai trò chiến đấu.
Triều Tiên không phải là quốc gia duy nhất dùng các công ty vỏ bọc để nhập lậu vũ khí của Mỹ, khi Iran và một số quốc gia khác cũng đã làm điều tương tự. Tuy vậy, không nước nào có thể làm được điều mà Triều Tiên đã làm, đó là có trong tay 87 trực thăng do Mỹ chế tạo và mới xuất xưởng.