VBF-Giờ đây máy bay không người lái cũng có thể làm nhiệm vụ đặc biệt là cứu người. Vừa qua tại Úc lần đầu tiên một drone có thể cứu được 2 thanh niên ngoài khơi. Úc đang triển khai drone cứu người, đi đầu thế giới.
Chiếc drone này đã thả phao cứu xuống biển, giúp hai thiếu niên được cứu ngoài khơi miền đông nước Úc. (ABC News)
SYDNEY - Hai thiếu niên người Úc bơi lội trong tháng qua đã trở thành những người đầu tiên được giải cứu trên biển bởi một chiếc máy bay không người lái (drone), khi chiếc phi cơ cứu nạn này thả một thiết bị an toàn cuống cho hai em đang mắc kẹt trong vùng biển động.
Nước Úc đang dẫn đầu việc dùng công nghệ này trong việc cứu mạng những người lướt sóng, với hàng chục chiếc drone được đem ra dùng thử trên các bãi biển ở nước này.
Trong vụ mà người ta cho là cuộc giải cứu người lướt sóng bằng drone lần đầu tiên trên thế giới, hai em trai bị mắc kẹt vào ngày thứ Năm, 18 tháng 1, 2018, trong những đợt sóng cao ba mét khi đang bơi ngoài biển, gần Lennox Head ở New South Wales, gần biên giới với tiểu bang Queensland.
Những người ra chơi bãi biển ở trên bờ đã báo động cho các nhân viên cứu nạn. Toán cứu nạn báo động cho phi công drone, và những chiếc máy bay cứu mạng này được sử dụng ngay tức khắc.
Jai Sheridan, người giám sát toán cứu nạn, nói với báo Gold Coast Bulletin, “Tôi đã có thể phóng chiếc drone lên, bay tới vị trí đó, và thả thiết bị an toàn xuống, tất cả trong khoảng từ một đến hai phút. Trong một ngày bình thường, việc đó làm cho các nhân viên cứu nạn chúng tôi phải mất mấy phút lâu hơn để ra tới tận chỗ người cần được giúp.”
Ngoài một chút mệt mỏi từ chuyện vừa trải qua, hai thiếu niên được an toàn vô sự.
Cùng với khả năng phát giác người bơi lội gặp rắc rối, cung cấp các dụng cụ cứu sinh nhanh hơn so với các kỹ thuật cứu mạng truyền thống, như tung ra những tấm ván lướt sóng hoặc xuồng cao su, những chiếc drone đang được dùng ở Úc còn có thể phát hiện những con vật săn mồi ở dưới biển, như cá mập và sứa.
Trí tuệ nhân tạo đang được phát triển bằng cách dùng hàng ngàn hình ảnh được chụp bởi máy camera drone, để xây dựng một thuật toán có thể nhận dạng các vật thể đại dương khác nhau.
Nhu liệu này có thể phân biệt giữa các sinh vật biển, như cá mập mà nó có thể nhận ra với độ chính xác hơn 90 phần trăm, so với khoảng 16 phần trăm bằng mắt thường.
Một số bãi biển ở Úc có những lưới cá mập, nhưng một bản phúc trình của chính phủ trong năm ngoái kêu gọi loại bỏ dần dần những tấm lưới đó, đề chuyển sang thăm dò những cách lựa chọn thay thế, bao gồm công nghệ sonar và tuần tra trên không.
Cuộc điều tra tìm thấy rằng những tấm lưới đó không bảo đảm an toàn cho công cộng nhiều hơn so với những phương thức ngăn chặn khác, nhưng gây ra thiệt hại đáng kể cho các sinh vật biển.