Để giữ hình ảnh của mình tại hội nghị thượng đỉnh G20. Trung Quốc đã cảnh báo các tàu đánh cá của nước này tránh thực hiện các hành vi phạm pháp tại các vùng biển nước ngoài trong thời gian diễn ra hội nghị này tại Argentina.
Lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc từng nhiều lần điều tàu ra chặn các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép (Ảnh: AFP)
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tuần này đã phát đi một thông báo, trong đó yêu cầu các tàu đánh cá của Trung Quốc phải tránh xa vùng đặc quyền kinh tế trên biển của các nước ở khoảng cách ít nhất 3 hải lý. Theo thông báo, khoảng cách này giúp đảm bảo không xảy ra các vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của các nước khác trong khi đánh bắt cá.
Thông báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nêu rõ các doanh nghiệp quản lý các tàu đánh bắt cá cũng phải giám sát hoạt động của các tàu thuyền này 24/7, đồng thời đảm bảo rằng mỗi tàu đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định liên quan của luật. Theo thông báo, nếu đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, các tàu Trung Quốc phải thông báo trước cho nước đó và tuân thủ các nguyên tắc về đi lại vô hại.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng các biện pháp này được đưa ra nhằm bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc như một cường quốc có trách nhiệm, đồng thời ngăn chặn bất kỳ nguy cơ vi phạm pháp luật nào xảy ra trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tuần này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua cũng đã có mặt tại Argentina để chuẩn bị cho các phiên họp.
Trong những năm gần đây, hình ảnh cứng rắn của Trung Quốc tại các vùng biển đã khiến dư luận quốc tế lo ngại. Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các hoạt động bành trướng tại các vùng biển quốc tế như Biển Đông. Ngoài ra, các tàu cá Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì hành vi đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Năm ngoái, một tàu Trung Quốc hoạt động tại khu bảo tồn biển Galapagos ở ngoài khơi Ecuador, nơi hoạt động đánh bắt công nghiệp bị cấm, đã bị phát hiện chở 6.000 con cá mập, trong đó có những loài nằm trong danh sách bảo tồn nguy cấp như cá mập đầu búa. Các nhà chức trách Ecuador đã bắt giữ thủy thủ đoàn Trung Quốc.
Vi cá mập được xem là món ăn thượng hạng tại Trung Quốc cũng như một số nước châu Á và thường được phục vụ trong các bữa tiệc sang trọng. Do nhu cầu của người dân Trung Quốc đối với loại thực phẩm này tăng cao, nên tình trạng săn bắt cá mập diễn ra ngày càng phổ biến.
Trung Quốc nhiều lần bị chỉ trích vì khai thác quá mức nguồn thủy hải sản tại các vùng biển. Theo BBC, các vùng biển xung quanh Trung Quốc gần như không còn cá trong khi đội tàu cá thương mại vẫn rất đông. Với số lượng ước tính khoảng 200.000 tàu, đội tàu cá Trung Quốc chiếm gần một nửa hoạt động đánh bắt của toàn thế giới.
Hồi tháng 5, Hàn Quốc đã bắt giữ và phá hủy 7 tàu cá Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển của Hàn Quốc. Trước đó hồi tháng 1, lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc đã bắn hàng trăm phát đạn để xua đuổi 50 tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép.
Vào tháng 12/2017, tàu cảnh sát biển Hàn Quốc cũng bắn hơn 200 phát đạn để xua đuổi hơn 40 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc.
Lực lượng tuần duyên Australia hồi tháng 2 đã nổ súng bắn một tàu cá Trung Quốc bị cho là đánh bắt trái phép và có hành vi va chạm với tàu Argentina trong vùng biển của Argentina.
Therealrtz © VietBF