Phi đội tiêm kích tấn công trên hạm VFA-147 Argonauts hoạt động trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) trở thành phi đội đầu tiên của Mỹ đạt chứng nhận hoạt động ban đầu với tiêm kích tàng hình F-35C, mốc quan trọng với chương trình F-35.
F-35C chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay Carl Vinson. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Chương trình tiêm kích tàng hình F-35C, phiên bản hoạt động trên tàu sân bay, đã đạt được cột mốc quan trọng vào tuần trước. Theo Military.com, phi đội tiêm kích tấn công trên hạm VFA-147 Argonauts hoạt động trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đã trở thành đơn vị đầu tiên đạt được chứng nhận chuyển loại với tiêm kích tàng hình F-35C.
“Phi đội VFA-147 đã hoàn thành chương trình chuyển đổi và huấn luyện bay với máy bay chiến đấu mới vào ngày 13/12 và đạt được chứng nhận của chỉ huy Liên đoàn tiêm kích trên hạm. Quá trình này đảm bảo phi đội được điều khiển với ê-kíp có trình độ để vận hành, bảo trì và đảm bảo an toàn bay. Tất cả phi đội đều phải hoàn thành chứng nhận này trước khi tiến hành các hoạt động bay độc lập”, thông báo của Hải quân cho hay.
Patrick Corrigan, sĩ quan chỉ huy VFA-147, cho biết trước khi năm 2018 kết thúc, phi đội đã hoàn thành giai đoạn cuối cùng của chứng nhận an toàn bay. “Với chứng nhận này, chúng tôi đã có được kỹ năng và nhân sự phù hợp với nhiệm vụ và thực hiện nó với tiềm năng tối đa”, ông Corrigan nói.
Để đạt được chứng nhận, VFA-147 phải đảm bảo số lượng máy bay sẵn sàng hoạt động trên 70%. Các yêu cầu khác gồm cài đặt hoàn chỉnh mạng lưới và thiết bị để vận hành hệ thống hậu cần tự động (ALIS). Ê-kíp làm việc phải duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về kiểm tra vũ khí và an toàn. Ngoài ra, họ phải tuân thủ và thành thạo quy trình bảo trì.
VFA-147 dự kiến được cấp chứng nhận hoạt động ban đầu vào tháng 2/2019, triển khai chiến đấu từ năm 2020. VFA-147 sẽ trở thành phi đội đầu tiên của Hải quân Mỹ vận hành F-35C thay thế cho F/A-18 E/F Super Hornet.
F-35C là phiên bản thiết kế hoạt động trên tàu sân bay từ chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35. Về cơ bản, F-35C giống phiên bản tiêu chuẩn F-35A nhưng có kích thước cánh lớn hơn và có thể gập lại. Máy bay bổ sung thêm móc đuôi và khung được gia cố để phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay.
Trong 3 phiên bản của F-35 thì phiên bản hải quân có tiến độ đưa vào sử dụng chậm nhất. Phiên bản này gặp khá nhiều vấn đề kỹ thuật khi đưa vào thử nghiệm trên tàu sân bay. Điều đó làm trầm trọng thêm các vấn đề của dự án JSF vốn bị chỉ trích rất nhiều vì chậm tiến độ, lỗi kỹ thuật.
Cụ thể động cơ của F-35C phát sinh nhiều nhiệt hơn so với động cơ của Super Hornet. Lớp sơn tàng hình đòi hỏi kỹ thuật sửa chữa mới. Một số lỗi về sơn tàng hình yêu cầu phải đưa vào các cơ sở trên đất liền của Lockheed Martin mới khắc phục được.
Hải quân Mỹ dự định mua 260 chiếc F-35C để thay thế cho F/A-18 Hornet và bổ sung cho F/A-18 Super Hornet. Mỗi tàu sân bay sẽ có 2 phi đội Super Hornet và một phi đội F-35C.