Trong khi Trung Quốc công bố GDP nước này năm 2018 đạt 6,6% thì một vị giáo sư nước này vạch mặt đó chỉ là con số giả mà thực chất chỉ đạt 1,67%. Thực trạng này còn tồi tệ hơn dưới áp lực của Trump trong năm 2019.
Ngày 21 tháng Giêng 2019, trong cuộc họp với các quan chức trung ương và lãnh đạo chủ chốt các tỉnh thành cả nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu "bất thường", nhấn mạnh đến những rủi ro đối với quốc gia này trong năm 2019.
Trong bài phát biểu này, ông Tập Cận Bình đã nhắc đến 2 con vật tượng trưng cho những rủi ro mà Trung Quốc đang phải sẵn sàng đương đầu: thiên nga đen và tê giác xám.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc không giải thích thiên nga đen, tê giác xám có hàm ý là gì.
Ký giả Katsuji Nakazawa, tạp chí Nikkei Asian Review ngày 31/1 cho biết, trong thuật ngữ thị trường tài chính, một con thiên nga đen biểu tượng cho sự cố nghiêm trọng không thể lường trước, dù khôn ngoan đến đâu.
Nó xuất hiện từ cuối thế kỷ 17 khi những con thiên nga đen được phát hiện ở Úc, gây sốc cho những người phương Tây từ lâu đã tin rằng chúng không tồn tại.
Tê giác xám biểu tượng cho một nguy cơ rõ ràng, nhưng lại bị bỏ qua.
Bình thường con tê giác xám rất hiền lành nên không có lý do gì đáng quan tâm, nhưng một khi con vật to lớn này nổi giận, không ai có thể đưa nó quay trở lại tầm kiểm soát.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh thông điệp rằng, các quan chức từ trung ương đến địa phương phải đấu tranh để tránh những rủi ro đe dọa ổn định xã hội, nhưng ông không nói rõ những rủi ro đó thực sự là gì.
Theo Katsuji Nakazawa, những người nghe bài phát biểu này đang nghĩ về hai khả năng.
Thứ nhất là cuộc chiến kinh tế - thương mại - công nghệ Trung - Mỹ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố hôm thứ Hai tuần này hơn 20 cáo buộc chống lại Huawei, ngay đêm trước cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ.
Thứ hai là sự chậm lại nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc được kích hoạt bởi nợ quá mức, doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân bình thường.
Các nhà kinh tế cải cách cũng bắt đầu nói về những rủi ro tương tự, cảnh báo công chúng những nguy cơ.
Trong khi các vấn đề họ nói bề ngoài có vẻ giống phát biểu của ông Tập Cận Bình, nhưng xem xét kỹ hơn các thông điệp bên trong, chúng bao gồm các chủ đề rất nhạy cảm.
Ví dụ như sự hoài nghi về mức độ tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc.
Ngày 21 tháng Giêng, Trung Quốc công bố kinh tế nước này tăng trưởng 6,6% trong năm 2018.
Nhưng Giáo sư Xiang Songzuo từ Đại học Nhân dân Trung Quốc phát biểu trong một bài giảng tháng Chạp 2018 rằng, nghiên cứu nội bộ ước tính tăng trưởng thực sự của Trung Quốc trong năm qua có thể thấp tới 1,67%.
Nếu đó là sự thật, tất cả các giả định đều bị phá vỡ.
Giáo sư Xiang Songzuo, ảnh: Nikkei Asian Review.
Xiang Songzuo thường xuyên tham dự các hội nghị tài chính quốc tế, sự thẳng thắn của ông đã gây tranh cãi, nhưng ông không lùi bước và vẫn bảo vệ những con số mình đưa ra.
Ngày 20 tháng Giêng, phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Thượng Hải, Giáo sư Xiang Songzuo đã chỉ trích một số nhân vật "trí thức" và truyền thông đã làm các doanh nghiệp tư nhân hoang mang, mất tinh thần vì đột ngột tung tin sẽ bãi bỏ quyền sở hữu tư nhân, hoặc đánh giá sai hoàn toàn tác động nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.
Ông một lần nữa lưu ý sự khác biệt giữa quan điểm chính thức của chính phủ về tăng trưởng và tình trạng thực sự của nền kinh tế.
Bình luận của ông dường như đang nhận được sự ủng hộ nhất định của các nhà cải cách và một số "trưởng lão" trong ban lãnh đạo, những người kêu gọi Trung Quốc không nên tiếp tục "vùi đầu vào cát".
Để đối phó với suy thoái kinh tế, Trung Quốc đã tung ra gói kích thích bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng bổ sung. Nhưng Trung Quốc không thể đoán trước Donald Trump sẽ làm gì tiếp theo.
Trong khi đó, rủi ro lớn khác đối với nền kinh tế Trung Quốc là thị trường bất động sản. Một ngày trước bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, Giáo sư Xiang Songzuo cũng nói đến một con tê giác xám.
Nhưng không giống Tập Cận Bình, con tê giác xám đe dọa Trung Quốc năm 2019 theo Xiang Songzuo là nguy cơ vỡ bong bóng thị trường bất động sản Trung Quốc.
Giáo sư Xiang Songzuo ước tính rằng khoảng 80% tài sản hiện đang sở hữu bởi người Trung Quốc là bất động sản.
Tổng giá trị của tài sản này bằng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của tất cả các quốc gia phát triển trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Mặc dù người ta đều biết về trò kiếm tiền phi thị trường này, nhưng không có biện pháp đối phó hiệu quả nào được thực hiện. Một ngày nào đó, mọi người sẽ nhận ra rằng khối tài sản khổng lồ của họ chỉ như một ảo ảnh, tài sản của họ sẽ giảm giá trị. [1]
Ngày 16/1, South China Morning Post đưa tin, con trai cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang, ông Hồ Đức Bình có bài tham luận tại một hội thảo về cải cách và mở cửa.
Hồ Đức Bình cảnh báo Trung Quốc cần phải tránh vết xe đổ của Liên Xô như tập quyền và duy trì nền kinh tế kế hoạch hóa cứng nhắc.
Ông Hồ Đức Bình năm nay 76 tuổi, là thành viên Thường vụ Chính hiệp Trung Quốc cho đến năm 2013, và là người ủng hộ mạnh mẽ cải cách thị trường và khu vực tư nhân.
Trong bài tham luận gửi tới cuộc hội thảo tại Bắc Kinh do Viện Nghiên cứu pháp lý và kinh tế Hongfan tổ chức, ông Hồ Đức Bình cho rằng:
Một trong những sai lầm chết người của Liên Xô là họ đi theo một hệ thống chính trị tập quyền cao độ và duy trì hệ thống kinh tế hành chứng cứng nhắc. Không phải mọi quốc gia xã hội chủ nghĩa đều làm điều đó.
Theo ông Hồ Đức Bình, lịch sử thế kỷ 20 cho thấy rằng các nước tư bản đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành công bằng cách dựa vào tiến bộ công nghệ, nâng cao hiệu quả thay vì dựa vào mô hình tăng trưởng theo định hướng đầu tư.
Ngược lại, Liên Xô đã đi vào ngõ cụt. Trung Quốc không được đi ngược tiến trình cải cách, phải học những bài học từ Liên Xô và cải cách đến cùng.