Người đang ông này là người đầu tiên mang gà rán đến với Triều Tiên. Tuy nhiên, sau một thời gian, ông buộc phải từ bỏ quán gà của mình để về Hàn Quốc. Ông còn nhớ y nguyên cảm giác đau đớn đến tột cùng khi toàn bộ tài sản bỗng bốc hơi...
Choi Won-ho là người đầu tiên giới thiệu gà rán từng phần tới Bình Nhưỡng năm 2007. Khách Triều đến quán ông được phục vụ chân, cánh, đùi, cổ và lưng gà quay, chiên hoặc xào thay vì nguyên con theo kiểu truyền thống. Tiệm gà Rakwon khi ấy có tiềm năng mở 100 địa điểm khắp Triều Tiên.
Giấc mơ đó của giám đốc Choi tan tành sau một đêm vì quan hệ hai miền đổ vỡ năm 2010. Tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan nổ và chìm tháng 3 năm đó, lấy đi sinh mạng 46 thủy thủ. Người Hàn kết luận bị ngư lôi Triều Tiên đánh đắm, dù Bình Nhưỡng bác bỏ.
Tổng thống Lee Myung-bak bấy giờ đóng cửa đầu tư vào Triều Tiên để trả đũa, khiến cơ ngơi kinh doanh của hơn 1.100 người Hàn Quốc "bốc hơi".
Ông Choi hết tiền vận hành trụ sở công ty 4 tầng tại Seoul, phải rút về mở quán gà và bia nhỏ, với vợ làm đầu bếp còn ông chạy bàn kiêm giao đồ ăn. Người đàn ông Hàn Quốc không hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27-28/2 tới tại Hà Nội có ích gì cho mình.
"Ngay cả khi quan hệ các bên được cải thiện, tôi gần như không còn khả năng đến Bình Nhưỡng và làm lại vì đơn giản không có tiền", Choi nói.
"Giống như chiếc bánh gạo nằm trong bức ảnh. Bạn muốn, nhưng không lôi ra ăn được".
Choi Won-ho đeo cà vạt và đội mũ có khẩu hiệu đòi bồi thường mất mát kinh doanh tại Triều Tiên khi phục vụ gà trong quán nhỏ ở Seoul. Ảnh: Park Chan-kyong.
Ông Choi từng nhập và phân phối gà Mỹ vào Hàn Quốc đến năm 2005. Sau sự kiện lãnh đạo liên Triều lần đầu gặp mặt năm 2000, Choi được "bật đèn xanh" và dần mua nguyên liệu thay thế từ Triều Tiên nhằm giảm chi phí vận chuyển, lương nhân công.
Nhờ thỏa thuận hợp tác kinh tế hai miền, Choi liên doanh với một đối tác Triều Tiên, khai trương nhà hàng chuyên các món gà đầu tiên ở Bình Nhưỡng. Quán Rakwon thành công tức thì, tiếp 100 khách mỗi ngày dù giá cao, khoảng 22 USD một suất "gà xào 7 mùi" cho 4 người.
Nhưng mô hình kinh doanh đột ngột bị dừng sau khi Tổng thống Lee ban lệnh cấm gần như toàn bộ giao thương với Triều Tiên sau vụ đắm tàu Cheonan.
"Việc như sét đánh ngang tai. Đầu tư giá trị nửa triệu USD của tôi mất sạch sau một đêm", ông Choi kể. "Chúng tôi đã đến đó vì chính phủ hứa hẹn ổn thỏa khi làm ăn ở Triều Tiên. Vài năm sau, họ lại nói: 'Bây giờ, ông không thể đến đó nữa'".
Cấm vận kinh tế với Triều Tiên năm 2010 khiến 1.146 doanh nghiệp Hàn Quốc mất tiền đầu tư vào nhà hàng, trạm dịch vụ, khách sạn và nhà xưởng ở Triều Tiên. Những người khác đã trả tiền đặt mua hàng hóa Triều Tiên không được nhận.
Chỉ 500 doanh nghiệp thiệt hại được chấp thuận đền bù tổng cộng 110 triệu USD, tương đương một phần ba mất mát, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc dưới thời tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in.
Thực đơn gà xào từng phần mới lạ tại Bình Nhưỡng năm 2007. Ảnh: Park Chan-kyong.
Jeong Sook-kyoung, người đại diện cho 1.146 công ty, cho biết nhiều doanh nghiệp không được đền bù nên phá sản, đơn vị nào hưởng bồi thường cũng chỉ được nhận một phần nhỏ so với tổn thất. Bà lý giải những công ty khởi sự tại Triều Tiên nhiều năm về trước không thể đưa ra tài liệu chứng minh thiệt hại như yêu cầu. Nhiều người bỗng dưng thành con nợ.
Không chỉ ông Choi mất hết và chẳng có đồng trợ cấp nào, người bạn Bang Young-guk của ông mất khối quặng kẽm trị giá 840.000 USD đã được chuyển sang Triều Tiên chế biến. Theo ông Bang, người Triều đã mất dần hứng thú làm ăn với người Hàn, giờ họ muốn giao thương với Trung Quốc hơn vì được trả tiền trước và giá tốt.
Với Choi, mối bận tâm trước mắt không phải vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo ông sinh sống, mà là tương lai quán gà-bia khiêm tốn ở Seoul, nơi ông đeo cà vạt và bưng bê 8 năm nay kể từ lúc kinh doanh ở Bình Nhưỡng đổ bể.
Đứng cạnh chiếc xe máy giao gà và bia của mình, ông tuyên bố: "Tôi sẽ không tháo cà vạt chừng nào chưa trả hết nợ".
VietBF © Sưu Tầm