Mỹ thực chất cũng không phải là thiên đường như mọi người nghĩ. Trong xã hội Mỹ lộ sự bất bình đẳng khi bê bối các ngôi sao Hollywood bỏ hàng triệu đôla để làm giả hồ sơ vào đại học danh giá cho con.
Sinh viên đứng xếp hàng ở một trường đại học ở Mỹ. Ảnh: AP.
Ivy Coach, một công ty ở thành phố New York, Mỹ chuyên tư vấn cho học sinh làm hồ sơ ứng tuyển vào đại học, cung cấp dịch vụ trọn gói với giá 1,5 triệu USD. Gói này dành cho những phụ huynh có khả năng tài chính và sẵn lòng trả giá vì tương lai của con. Ivy Coach cũng là công ty năm 2018 kiện một người phụ nữ Việt Nam ra tòa vì cho rằng bà này chưa trả toàn bộ 1,5 triệu USD cho dịch vụ tư vấn để con gái đỗ vào một trường danh tiếng ở Mỹ.
Quá trình tư vấn bắt đầu tư khi ứng viên mới học lớp 8, lúc này các chuyên gia của Ivy Coach theo sát và hướng dẫn học sinh từ việc chọn lớp đúng môn học cho đến hoạch địch các hoạt động ngoại khóa với mục tiêu "tối thượng" là giúp các em nổi trội so với bạn bè đồng trang lứa.
Tiếp theo là quá trình chuẩn bị ôn luyện cho các kỳ thi chuẩn hóa như SAT hoặc ACT. Các trường đại học Mỹ đều dựa vào điểm số một trong hai bài thi này để xét tuyển học sinh. Thang điểm của SAT và ACT khác nhau. ACT tính điểm tổng hợp tối đa là 36, trong khi điểm mỗi phần thi của SAT là 800. Thông thường, điểm số trung bình để đủ điều kiện nhập học là khoảng 500 cho mỗi phần thi của SAT và 21 tổng điểm ACT.
Theo giám đốc quản lý của công ty tư vấn Ivy Coach, Brian Taylor, các kỳ thi chuẩn hóa này đều có thể luyện. "Không công bằng nhỉ? Những người giàu có thể bỏ tiền (cho con luyện thi) đúng không?", ông Taylor hỏi và tự trả lời. "Đúng vậy đó. Nhưng đó là cách thế giới này vận hành".
Hôm 12/3, nước Mỹ chấn động khi công tố viên liên bang buộc tội 50 người trong một đường dây làm giả hồ sơ ứng tuyển vào đại học Mỹ nhằm đưa con cái những người giàu vào các trường đại học danh giá, bao gồm Yale và Stanford.
Theo điều tra ban đầu, mỗi gia đình trả một khoản tiền từ 200.000 USD đến 6,5 triệu USD để nhờ người thi hộ hoặc sửa điểm SAT hay ACT đồng thời hối lộ các huấn luyện viên thể thao của các trường đại học nhận con họ thi đấu trong đội tuyển trường nhằm tạo thành tích thể thao giả trong hồ sơ ứng tuyển.
Học sinh trong một lớp luyện thi kỳ thi chuẩn hóa để vào đại học ở Mỹ. Ảnh: NYT.
Trên thực tế, dịch vụ tư vấn vào đại học ở Mỹ là một ngành "công nghiệp" béo bở trị giá hàng tỷ đôla và hoàn toàn hợp pháp. Các chuyên gia dạn dày kinh nghiệm sẽ dìu dắt học sinh leo từng nấc thang đến mục tiêu, bao gồm chọn học lớp nâng cao nào, chơi môn thể thao gì hay tham gia hoạt động từ thiện ra sao cho đến hướng dẫn viết và biên tập các bài luận và làm mọi thứ có thể để đánh bóng bộ hồ sơ xin học.
Cuộc sống của một học sinh trước ngưỡng cửa đại học được nhào nặn và đóng khuôn sao cho vừa mắt các cán bộ tuyển sinh ở các trường đại. Tùy vào khả năng tài chính, phụ huynh có thể bỏ ra 300 USD, mức phí tiêu chuẩn cho một giờ tư vấn với chuyên gia hoặc đóng góp hàng chục triệu đô cho các trường với hy vọng con mình sẽ được đặc cách vào một trường thuộc hàng top.
Điều này cho thấy nhiều phụ huynh, dù có mức thu nhập như thế nào, bị ám ảnh bởi quan niệm cho rằng tấm bằng đại học danh giá chính là tấm vé đảm bảo một tương tài chính an toàn cho các con. Và họ sẵn sàng chịu chi.
"(Hiện trạng của thị trường) tư vấn đại học như thời miền Tây hoang dã", Alexis Redding, một học giả đang nghiên cứu tại chương trình cao học về giáo dục của đại học Harvard, nhận xét về "áp lực khủng khiếp" của cuộc chạy đua vào đại học đè nặng lên các gia đình và con cái họ.
Nữ giáo sư Redding chỉ ra rằng nhiều trường đại học của Mỹ trong những năm gần đây thừa nhận điểm số của các kỳ thi chuẩn hóa đơn giản chỉ phản ánh sự thật gia đình của học sinh đã chịu chi như thế nào cho các buổi học kèm và các lớp luyện thi. Và việc các trường không còn đặt nặng thành tích điểm số tạo thêm cơ hội cho những học sinh không sinh ra trong một gia đình khá giả.
Bê bối làm giả hồ sơ "không gây ngạc nhiên với những ai đã từng nghiên cứu về thế giới 'được ăn cả ngã về không' của ngành kinh doanh dịch vụ tư vấn vào đại học", giáo sư Redding nói. "Điều khiến công chúng ngạc nhiên là quy mô và mức độ cũng như sự dính líu của các ngôi sao nổi tiếng".
Dù dư sức đổ tiền thuê dịch vụ tư vấn triệu đô, các ngôi sao Hollywood và nhiều tài phiệt, có tên trong tài liệu của cơ quan công tố, lại chọn con đường khác để thao túng quy trình tuyển sinh vào đại học.
Một trong những lý do khiến những người giàu có này chọn "đi đường tắt" là bởi những năm gần đây chi phí đầu tư "đi đường thẳng" đã vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu. Theo các chuyên gia giàu kinh nghiệm, phải quyên góp khoảng 10 triệu USD hoặc hơn vào một trường Ivy League, phụ huynh mới dám hy vọng con mình sẽ được nhà trường đặc cách dù học lực thế nào. Ivy League là tên gọi của nhóm 8 trường đại học, viện đại học tư nhân nằm ở các bang khu vực Đông Bắc nước Mỹ, có hệ thống triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo hàng đầu thế giới.
Chuyên gia tư vấn Steven Mercer ở Santa Monica, bang California, gọi khoản tiền 10 triệu USD này là "món quà ra mắt chưa chắc đủ sức gây chú ý với ban tuyển sinh", Mercer nói thêm. "Đôi khi anh phải chi đậm hơn". Taylor, giám đốc công ty tư vấn Ivy Coach, đồng ý rằng kể cả sau khoản quyên góp 10 triệu USD, không có gì đảm bảo hồ sơ của học sinh sẽ không bị hỏi han thêm.
Ngôi sao Hollywodd Lori Loughlin (giữa) bị cáo buộc làm giả hồ sơ vào đại học cho con, chụp cùng hai con gái Olivia Jade (trái) và Isabella Giannulli. Cả hai đều là sinh viên trường đại học Nam California. Ảnh: NYT.
Trong khi đó, "sự chắc chắn" là điều mà các bậc phụ huynh thuê William Singer, chuyên gia tư vấn bị khởi tố trong bê bối gần đây với hàng loạt cáo buộc bao gồm phạm tội có tổ chức, rửa tiền và cản trở việc thực thi công lý. "Tôi thảo ra một cam kết để đảm bảo", Singer khai trước tòa án Boston.
Theo băng ghi lại các cuộc trò chuyện giữa Singer và phụ huynh, người đàn ông này quảng cáo dịch vụ tư vấn thuộc hàng cao cấp chỉ dành cho các doanh nhân công nghệ thành đạt, những nhà đầu tư tài chính giàu có và những cá nhân có tầm ảnh hưởng xã hội đang cố tìm mọi cách kiếm được một chỗ cho con tại một trường đại học hàng đầu như Yale, Georgetown hay đại học Nam California.
Hồ sơ của tòa án tiết lộ Singer không chỉ hứa hẹn đưa học sinh vào danh sách các vận động viên có tài năng thi đấu thể thao mà còn đảm bảo với các phụ huynh con họ sẽ đạt được ít nhất 30 điểm ACT và 1400 điểm SAT. Các trường Mỹ chú trọng một cách cực đoan đến hoạt động ngoại khóa cũng như thành tích thể thao hoặc âm nhạc của các ứng viên, ngoài điểm số và chất lượng các bài luận.
Các chuyên gia tư vấn hành nghề đúng luật không bao giờ có thể cam kết hay hứa hẹn rằng ứng viên sẽ đỗ vào một trường cụ thể, theo giám đốc Taylor của Ivy Coach, dù phí dịch vụ trả cho công ty tư vấn giáo dục cao đến mức nào và dù phụ huynh sẵn lòng quyên góp cho trường bao nhiêu đi nữa. "Nếu chuyên gia tư vấn nói có mối quan hệ với ban tuyển sinh thì đó là dấu hiệu đáng nghi", Taylor nói.
Chuyên gia này cũng chỉ ra một điều bất thường khác. Theo đúng quy định, học sinh phải ký tên xác nhận và tự nộp bộ hồ sơ cho trường. Việc bị cáo Singer nộp thay học sinh là "tự thân hành động đó chứng tỏ sự vô đạo đức".
Singer thậm chí bị cáo buộc thay đổi thông tin "sắc tộc" trên hồ sơ của ứng viên. Các trường đại học ở Mỹ, để đảm bảo sự đa dạng trong môi trường học thuật, luôn dành phần trăm quota nhất định cho những ứng viên gốc Phi, Mỹ Latin hoặc châu Á. Dẫu vậy, giám đốc Taylor của Ivy Coach cho rằng chính sách này "phản Mỹ". "Ai có quyền quyết định thế nào là quá Mỹ?", Taylor cật vấn. "Nếu ai đó có tiền trả mức học phí mà anh yêu cầu thì họ có quyền học chứ sao".
William Singer rời tòa án liên bang ở Boston ngày 12/3. Ảnh: NYT.
Cuộc chạy đua vào các trường đại học Mỹ dường như là một cuộc đua vũ trang mà ở đó tiền trở thành vũ khí lợi hại. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng nghĩ như vậy.
Alex Cui, 20 tuổi, kể cha mẹ cậu là người Trung Quốc nhập cư. Họ đã trả 15.000 USD cho một công ty tư vấn tư nhân sau khi nhìn thấy quảng cáo trên báo và tạp chí tiếng Trung, khẳng định công ty này có thể giúp các bậc cha mẹ nhập cư thoát khỏi lo âu bằng cách đưa con cái họ vào các trường tốt.
Với khoản tiền 15.000 USD, Cui được tham dự một hội thảo kéo dài ba ngày tư vấn về cách thức nộp đơn vào các trường đại học, cộng một số giờ tư vấn riêng giúp cậu chọn hoạt động ngoại khóa và sửa bài luận cá nhân.
Tuy nhiên, Cui không vui vẻ gì khi nhớ về trải nghiệm đó. Cậu kể chuyên gia tư vấn không ngừng chê bai bài luận của Cui. Do cảm thấy quá áp lực, cậu ngừng đến gặp tư vấn vào khoảng giữa năm lớp 12. Kết quả Cui được trường đại học công nghệ California nhận vào học. Hiện Cui là sinh viên năm cuối ngành khoa học máy tính. Nghĩ lại, Cui cho rằng khoản 15.000 USD thuê tư vấn thật sự không đáng.
Nữ giáo sư nghiên cứu về giáo dục Redding lo ngại bê bối gần đây khiến học sinh có thực lực đánh mất niềm tin vào quy trình tuyển sinh đại học Mỹ đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của những chuyên gia tư vấn tuyển sinh luôn tuân theo đạo đức nghề nghiệp. Hiện ngành tư vấn vào đại học của Mỹ có hàng chục nghìn chuyên gia hành nghề với mức doanh thu năm 2018 lên tới 1,9 tỷ USD
Đối với chuyên gia Mercer ở bang California, danh tiếng của trường đại học không quan trọng bằng việc chọn được một ngôi trường phù hợp với từng học sinh. "Với những khoản tiền khổng lồ như vậy và những cá nhân nổi tiếng có liên quan cùng mức độ (gian lận) thì đây không phải một sự cố nhỏ. Đó là bê bối khiến tất cả những người trong ngành đều cảm thấy xấu hổ".
VietBF © sưu tầm