Hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng tàu sân bay thứ 3 và cũng có thể là tàu có kích thước lớn nhất của nước này.
Ảnh vệ tinh chụp bến tàu Jiangnan ngày 17/4 (Ảnh: CSIS)
Theo Reuters, các chuyên gia đến từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ công bố các hình chụp vệ tinh ở xưởng đóng tàu Jiangnan, Thượng Hải hồi tháng trước, nhận định rằng Trung Quốc có thể đang xây tàu sân bay thứ 3.
Bắc Kinh cho tới lúc nay chưa chính thức xác nhận về việc đang chế tạo tàu sân bay thứ 3, dù báo chí Trung Quốc được cho là đã có các thông tin về tàu này trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia châu Á và Phương Tây, đây có thể sẽ là tàu lớn nhất của Trung Quốc và có khả năng dẫn đầu một nhóm tác chiến tàu sân bay.
Những hình ảnh của CSIS công bố cho thấy hình ảnh các bộ phận của một tàu chiến có thân rộng 41 m với cần trục nằm bên trên. Các chuyên gia cho rằng tàu Type 002 mà Trung Quốc đang xây dựng sẽ nhỏ hơn các tàu sân bay 100.000 tấn của Mỹ nhưng có thể sẽ lớn hơn tàu Charles de Gaulle 42.500 tấn của Pháp.
Trong báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về tiến trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc phát hành hôm 3/5, Lầu Năm Góc nhận định tàu thứ 3 của Bắc Kinh sẽ lớn hơn 2 chiếc tiền nhiệm và có thể sẽ được trang bị hệ thống phóng để máy bay cất cánh nhanh hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chưa nắm rõ liệu tàu Type 002 của Trung Quốc có vận hành bằng năng lượng hạt nhân hay không. Hiện thời, Trung Quốc có 10 tàu ngầm năng lượng hạt nhân nhưng chưa có một tàu nổi nào sử dụng lò phản ứng hạt nhân.
Hai tàu sân bay trước của Trung Quốc có kích thước khá nhỏ, chỉ chở được 25 máy bay, chưa bằng 50% số lượng máy bay mà các tàu sân bay Mỹ có khả năng mang theo.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, được chế tạo từ thời Liên Xô cũ. Trung Quốc đã mua lại tàu này từ Ukraine và sau đó sửa chữa lại. Tàu sân bay thứ 2 dựa trên thiết kế của Liêu Ninh, do Trung Quốc tự chế tạo và hạ thủy năm 2017. Hiện nó đang trong quá trình thử nghiệm trên biển và chưa thể gia nhập biên chế quân đội Trung Quốc cho tới năm 2020.
(Ảnh: CSIS)
VietBF @ sưu tầm