Tình hình Trung Đông đang nóng như lửa cả về nghĩa đen lẫn nghia bóng. Chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do Mỹ. Đáp trả chính sách của Mỹ, Iran có thể khởi động lại một phần chương trình hạt nhân đang bị dừng.
Tình hình Trung Đông lại đang nóng lên trong những ngày qua vì cuộc đối đầu leo thang giữa Mỹ - Iran và giao tranh qua lại biên giới Israel - Dải Gaza. Trong bước đi gây quan ngại về nguy cơ tính toán sai lầm, Lầu Năm Góc hôm 6-5 thông báo triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và máy bay ném bom đến Trung Đông để đối phó "những hoạt động gây bất ổn" của Iran.
Trang Axios dẫn nguồn tin Israel cho biết tình báo nước này đã cung cấp cho phía Mỹ thông tin về cáo buộc Tehran có âm mưu tấn công các lợi ích của Washington tại vùng Vịnh, dẫn đến cảnh báo mạnh mẽ khác thường của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 5-5, theo đó bất kỳ động thái nào như thế sẽ bị đáp trả "bằng vũ lực không thương tiếc". Theo nguồn tin Israel, hiện chưa rõ Iran lên kế hoạch thế nào nhưng nước này có thể tìm cách tấn công một mục tiêu của Mỹ hoặc của một trong những đồng minh của Washington tại vùng Vịnh. Trong khi đó, theo tờ USA Today, tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, đã đưa ra yêu cầu khẩn cấp về việc bổ sung lực lượng tại Trung Đông sau khi thông tin tình báo thu thập được cho thấy có những mối đe dọa nhằm vào binh sĩ Mỹ tại khu vực.
Chiến đấu cơ trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Đài RT (Nga) nhận định bước đi trên nêu bật chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có xu hướng sử dụng hải quân để "hỗ trợ" trong trường hợp chính sách ngoại giao thông thường chưa đủ mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo một số quan chức Mỹ, việc sử dụng sức mạnh hải quân, nhất là tàu sân bay, để "phát đi thông điệp" hiện không khác gì "một hình thức ngoại giao". Hồi tháng 4 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman lập luận rằng "mỗi tàu sân bay hoạt động ở Địa Trung Hải vào thời điểm này đại diện cho 100.000 tấn chính sách ngoại giao quốc tế".
Đáng chú ý là căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng ngay trước dịp một năm ngày ông Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương với Tehran. Nhân dịp này, theo AP, Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong ngày 8-5 dự kiến công bố những bước đi kế tiếp nhằm đáp trả hành động của Mỹ. Hãng tin IRIB của Iran tiết lộ ông Rouhani sẽ thông báo khởi động lại một phần chương trình hạt nhân đang bị dừng nhưng không có kế hoạch rút khỏi thỏa thuận nói trên.
Bất đồng Mỹ - Iran còn thể hiện qua cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và các tay súng Palestine vào cuối tuần rồi. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 5-5 cảnh báo Tehran phải chịu trách nhiệm nếu "các lực lượng ủy nhiệm" của họ có hành động chống lại Washington hoặc các đồng minh. Cùng ngày, trong thông điệp bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel trong hành động tấn công trả đũa các tay súng Palestine ở Dải Gaza, ông Trump đã nhắc đến 2 cái tên Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine
Phương Tây xem phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine là nhóm khủng bố được tài trợ bởi Iran và phong trào Hezbollah ở Lebanon. Báo The Guardian nhận định chính quyền ông Trump có lẽ đang lo ngại Iran đang sử dụng Dải Gaza để lên kế hoạch chống lại Israel và Mỹ thông qua các lực lượng ủy nhiệm của họ để trả đũa chính sách thù địch của Washington.
Theo sau cảnh báo trên của giới chức Mỹ, một thỏa thuận ngừng bắn hôm 6-5 đã khép lại 48 giờ giao tranh đẫm máu giữa Israel và phe Hamas đang cầm quyền ở Gaza, khiến 27 người Palestine thiệt mạng. Về phía Israel là 4 người thiệt mạng và 130 người bị thương, theo truyền thông địa phương.