Khi nói về dự luật dẫn độ đang gây tranh cãi, lãnh đạo Hong Kong đã khóc nhưng nhiều người cho rằng bà Carrie Lam nhỏ những giọt nước mắt giả tạo.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam trong cuộc phỏng vấn ghi hình sáng nay. Ảnh: Shanghaiist.
Trong một cuộc phỏng vấn ghi hình sáng 12/6 và phát vào tối cùng ngày, khi được hỏi về việc liệu bà có rút dự luật dẫn độ sang Trung Quốc hay không, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam đã lấy dẫn chứng về việc dạy con để trả lời. Bà cho biết bản thân không thể đáp ứng mỗi lần con trai mình đưa ra yêu cầu bởi việc làm này có thể giúp mối quan hệ giữa họ tốt đẹp trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, con trai bà sẽ trở nên hư đốn và bà phải chịu trách nhiệm về điều đó. Việc người dân biểu tình phản đối dự luật cũng giống như việc con trai bà đưa ra yêu cầu.
Khi được hỏi về những ý kiến chỉ trích, cáo buộc bà "bán rẻ Hong Kong", trưởng đặc khu Carrie Lam đã bật khóc. "Tôi lớn lên với người dân Hong Kong. Tình yêu của tôi dành cho nơi này đã khiến tôi hy sinh cá nhân rất nhiều", bà nói.
Video cuộc phỏng vấn do đài truyền hình TVB đăng trên Facebook đã thu hút hơn 1.000 bình luận và gần 600 lượt chia sẻ, trong đó nhiều người cho rằng trưởng đặc khu Hong Kong chỉ đang "rơi nước mắt cá sấu" trước camera. "Thật tệ hại, không phải chỉ có mình bà chịu hy sinh trên mảnh đất này. Bà nên từ chức vì sự hy sinh vĩ đại đó, và toàn thể người Hong Kong sẽ bật champagne ăn mừng", một tài khoản Facebook bình luận.
Nhiều người cũng chia sẻ bức ảnh ghép giữa hình chụp bà Lam với con trai và ảnh một chàng trai mặc áo đen được gọi là "con trai của những người dân khác" nằm bất tỉnh, miệng chảy máu vì trúng đạn cao su của cảnh sát khi tham gia biểu tình chiều nay.
Bức ảnh ghép lan truyền trên mạng xã hội ở Hong Kong so sánh giữa con trai bà Lam với một người biểu tình bị trúng đạn cao su của cảnh sát. Ảnh: Facebook.
Hàng chục nghìn người sáng 12/6 tràn xuống các con đường chính ở Hong Kong để biểu tình phản đối cuộc họp dự luật dẫn độ sửa đổi cho phép dẫn độ nghi phạm tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc đại lục. Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong sau đó quyết định hoãn buổi thảo luận dự luật, song điều này không khiến người biểu tình rút lui.
Lãnh đạo các nhóm biểu tình tuyên bố họ sẽ không đi đâu cho đến khi dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" bị hủy bỏ. Tổng thư ký Hành chính Hong Kong Matthew Cheung kêu gọi người biểu tình chấm dứt việc phong tỏa các tuyến đường huyết mạch và về nhà. Phát ngôn viên Cơ quan Thông tin Hong Kong cho biết ít nhất 72 người đã bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện sau các cuộc biểu tình.
VietBF © sưu tầm