Những kỳ vọng về chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập là gì? Đàm phán phi hạt nhân qua cuộc gặp sẽ được thúc đẩy? Mối quan hệ giữa hai nước cũng sẽ được thúc đẩy sau chuyến thăm cấp nhà nước này?
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 6/2018. Ảnh: AP.
Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tới Triều Tiên sau 14 năm khi thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 20/6 đến 21/6. Chuyến thăm diễn ra một tuần trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, nơi ông Tập sẽ họp bên lề với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuyến thăm của ông Tập được kỳ vọng sẽ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2 không đạt được thỏa thuận và quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.
Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hôm 19/6 đăng trên trang nhất bài bình luận của ông Tập kêu gọi Bình Nhưỡng tiếp tục "đi đúng hướng" trong việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh trước đó nhấn mạnh hai bên sẽ thảo luận những công việc "hướng tới tiến bộ mới cho một giải pháp chính trị".
Ko Min-jung, phát ngôn viên văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, cho biết họ hy vọng chuyến công du của ông Tập sẽ mở đường cho việc sớm nối lại đàm phán về phi hạt nhân hóa cũng như tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chuyến thăm khó có thể mang lại tiến bộ đáng kể trong vấn đề này.
Denny Roy, chuyên gia tại Trung tâm Đông - Tây của Mỹ, cho rằng cuộc gặp giữa Kim Jong-un và Tập Cận Bình có khả năng nhằm khẳng định sự sẵn sàng của Triều Tiên trong đàm phán về phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, những bất đồng giữa Bình Nhưỡng với Washington vẫn là trở ngại lớn.
"Tôi nghĩ theo quan điểm của Bắc Kinh, người Mỹ cần chấp nhận một thỏa thuận có lợi hơn cho Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng được nới lỏng nhiều lệnh trừng phạt mà chỉ đưa ra rất ít, hoặc không có động thái phi hạt nhân hóa đáng kể nào", Roy nói. "Nhưng đó đương nhiên là điều Washington không thể chấp nhận được".
Chuyến đi Bình Nhưỡng của ông Tập còn được kỳ vọng là động thái thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên, bởi đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc tới Bình Nhưỡng. Những chuyến công du Triều Tiên trước đây của các lãnh đạo nước này chỉ dừng ở thăm hữu nghị, thăm hữu nghị chính thức, thăm chính thức và thăm không chính thức. Roy cho biết đây có thể là một cách Bắc Kinh thể hiện nhiều sự tôn trọng hơn với Kim Jong-un.
"Điều này chứng tỏ thực tế rằng Kim Jong-un đã có 'sức nặng' lớn hơn tới Bắc Kinh sau khi thuyết phục được Donald Trump ngồi vào bàn đàm phán tại Singapore. Vì vậy, ông Tập buộc phải lôi kéo ông Kim nhằm đảm bảo bước tiến mới trong quan hệ Mỹ - Triều không khiến vai trò của Trung Quốc bị coi nhẹ", chuyên gia nói.
Các hoạt động kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao Trung - Triều cũng sẽ được tổ chức trong chuyến thăm của ông Tập. Cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng ví quan hệ đồng minh giữa hai nước "thân thiết như môi và răng".
Tuy nhiên, mối quan hệ này vài năm qua trở nên căng thẳng do những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, dù Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, cung cấp những hỗ trợ kinh tế thiết yếu.
Rorry Daniels, phó giám đốc dự án tại Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá chuyến thăm của ông Tập có khả năng thiên về nghi thức hơn là nội dung thảo luận chi tiết. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ tập trung vào con đường ngoại giao và sẵn sàng nối lại quá trình đàm phán với Mỹ.
"Triều Tiên rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc và hiểu rằng Tập Cận Bình là người bảo đảm cho mối quan hệ đó. Bình Nhưỡng có thể muốn phối hợp với Bắc Kinh trước khi tiếp cận Washington và các nước khác, trong đó có Hàn Quốc", Daniels nhận định.
Chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc cũng có khả năng tập trung vào thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Triều Tiên gặp nhiều khó khăn sau loạt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, khiến Kim Jong-un phải chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế trong nước.
People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng cho biết chuyến thăm của ông Tập nhằm thúc đẩy "các vấn đề kinh tế và thương mại song phương", cũng như du lịch văn hóa và giáo dục, hai lĩnh vực không nằm trong các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Một nguồn tin tiết lộ Trung Quốc có thể cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên sau chuyến thăm.
Việc ông Tập thăm Triều Tiên ngay trước thềm cuộc họp với Trump tại hội nghị G20 ở Nhật Bản dẫn tới những suy đoán rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách tận dụng quan hệ với Bình Nhưỡng để làm "đòn bẩy" trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington, dù Bắc Kinh phủ nhận quan điểm này.
Zhao Tong, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, cho rằng Trung Quốc có thể muốn lấy việc thúc đẩy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa làm điều kiện để đổi lấy lập trường bớt cứng rắn hơn của Mỹ trong đàm phán thương mại.
"Bằng cách chứng minh quan hệ đặc biệt với Bình Nhưỡng tại thời điểm cả Washington và Seoul đều không thể nối lại các cuộc đàm phán cấp cao với họ, Bắc Kinh đang báo hiệu với Washington rằng họ vẫn là một đối tác hữu ích, có tính xây dựng và không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng trong khu vực", chuyên gia giải thích.
Tuy nhiên, Roy nhấn mạnh Chủ tịch Trung Quốc chỉ có thể đưa ra được một số đề nghị nhất định với Mỹ. "Ông Tập không thể mang cam kết về tiến bộ trong vấn đề Triều Tiên để đối lấy việc dỡ bỏ thuế quan của Mỹ, bởi ông không thể ngăn Kim Jong-un thử hạt nhân hoặc từ bỏ thêm các chương trình vũ khí", Roy nói.