Triều Tiên bị nghi vẫn phát triển tên lửa xuyên lục địa. Nước này có vẻ như vẫn chưa từ bỏ ý định phát triển tên lửa. Các vụ thử vũ khí gần đây đều nhằm phục vụ cho mục đích này.
Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 hồi tháng 11/2017. Ảnh: KCNA.
Một nhóm chuyên gia ngày 5/9 công bố báo cáo với ủy ban giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó nhấn mạnh vào mối đe dọa từ chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Theo báo cáo, mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Triều Tiên phóng thử ngày 4/5 và 9/5 cùng hai "vũ khí dẫn đường chiến thuật mới" phóng ngày 24/7 là bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đã làm chủ được các công nghệ tên lửa đạn đạo như sản xuất nhiên liệu rắn, sử dụng bệ phóng di động để tăng tính cơ động và khả năng đánh bại hệ thống phòng thủ đối phương.
"Triều Tiên đã đạt được tiến bộ rõ ràng từ việc sản xuất nhiên liệu cho pháo phản lực/SRBM đến phát triển nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)", báo cáo viết, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực phát triển SRBM của Triều Tiên mang lại lợi ích cho các chương trình tên lửa đạn đạo tầm trung và ICBM.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng nhiều hoạt động vẫn thường xuyên diễn ra ở các căn cứ ICBM của Triều Tiên gần biên giới phía bắc, bao gồm cả bãi thử Hoejung-ri, trong khi Bình Nhưỡng luôn ưu tiên bảo đảm mạng lưới đường sắt hỗ trợ các lữ đoàn ICBM.
Báo cáo cũng cho rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn được tiếp tục tại cơ sở làm giàu uranium Yongbyon và khu phức hợp làm giàu uranium tại Pyongsan, dù Bình Nhưỡng không tiếp tục thử hạt nhân từ năm ngoái và đã đóng cửa bãi thử Punggye-ri.
Ngoài ra, bãi thử tên lửa ở Dongchang-ri, vốn đã bị tháo dỡ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần một ở Singapore, dường như đã được khôi phục. "Bệ thử động cơ tên lửa ở cơ sở này đã được cải tạo và có thể đạt khả năng vận hành bình thường", báo cáo viết.