Chiếc áo dài không quần đang được chê là sự biến thể tục tĩu nhất của Quốc phục. Áo dài là tinh túy trang phục mang hồn cốt của người con gái Việt Nam bao đời nay, mà bất kỳ ai khi nhắc tới cũng vô cùng tự hào.
Kacey Musgraves bị cộng đồng Việt lên án vì mặc áo dài không quần phản cảm.
Đừng biến quốc phục thành "thảm họa áo dài"
Câu chuyện nữ ca sĩ Kacey Musgraves mặc áo dài không mặc quần khiến cư dân mạng nổi nóng, bão dư luận nổi lên mạnh mẽ tạo thành trào lưu mà bất kỳ ai cũng phải dè chừng. Là quốc phục của dân tộc Việt Nam lại bị bạn bè quốc tế mặc phản cảm như thiếu đi sự tôn trọng và vấy bẩn, khiến ai nhìn thấy cũng tức mắt.
Nói Đông, nói Tây thì cũng phải nhìn lại "chính mình". Cụm từ "chính mình" ám chỉ những người Việt, cụ thể là nghệ sĩ những người bạn trẻ hay bất kỳ ai mà chúng ta không thể biết hết, nhiều lần tự vấy bẩn lên quốc phục của dân tộc. Câu chuyện mặc áo dài xuyên thấu, cắt xẻ bạo hay việc mặc áo dài không quần... đều mang tính chất giống nhau về việc phá hoại vẻ đẹp truyền thống, căn bản nhất của trang phục này. Tùy theo cách thể hiện khác nhau mà mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Ví như câu chuyện áo dài cách tân mặc với váy đụp đã khiến dư luận bàn tán nhiều phen, người muốn tẩy chay người lại tỏ rõ sự thờ ơ muốn sao cũng được. Từ lý thuyết tới hiện thực và dựa trên nhu cầu sử dụng của mỗi người thì thật khó để làm rõ chuyện này. Nhưng câu chuyện áo dài không quần là một ví dụ cụ thể nhất, phản ánh sự "tục tĩu" tới nhức mắt của người mặc mà họ đang cố tình hay vô ý tạo nên một cách thiếu hiểu biết.
Ngọc Trinh từng mặc áo dài không quần, tạo dáng tức mắt người nhìn.
Hiền Thục mặc áo dài với quần hot pant, đi tất lưới từng gây tranh cãi.
NTK áo dài Đức Hùng nêu ra quan điểm cá nhân trước sự việc này: "Có hai cách để nhìn nhận cho sự việc này:
Một là: Do bạn ấy sống tại một đất nước khá tự do nên theo đó, cái tôi, suy nghĩ cá nhân cũng rất cao. Họ có thể chọn trang phục và mặc theo ý thích, hôm nay là áo dài, ngày mai là kimono và ngày kia .....nếu biết được bộ nào là Quốc phục thì thiết nghĩ, bạn ấy thật sự cẩn thận khi chọn mặc. Là nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn với fan hâm mộ thì cần có sự hiểu biết nhất định trước khi chọn trang phục.
Tuy nhiên, giả thiết thứ 2, có thể bạn ấy hoàn toàn không biết đây là bộ Quốc phục của Việt Nam, thì chúng ta có thể có cái nhìn khác. Đơn giản bạn ấy thấy bộ áo dài quá gợi cảm, mặc lên tôn dáng nên đã diện theo cách bạn ấy thích, nếu sau khi biết được đây là quốc phục thì Kacey Musgraves nên có lời đến khán giả thì tốt hơn, vì bạn ấy là 1 ngôi sao lớn của Hoa Kỳ đã 6 lần đoạt giải Grammy mà ai cũng ngưỡng mộ.
Chúng ta hãy nhìn đa chiều trong một sự việc, mọi thứ đều trở nên vui vẻ ...!"
NTK Đức Hùng nói thêm, Việt Nam có áo dài, Trung Quốc có sườn xám, Nhật Bản có Kimono, Hàn Quốc có Hanbok. Nhưng tuyệt nhiên không nước nào đặt vấn đề về việc cách tân trang phục truyền thống của họ với những cách mặc thiếu thẩm mỹ một cách trầm trọng như mặc áo dài không quần.
Stylist Châu Thế Phong có quan điểm riêng về mặc áo dài với cách mix phản cảm. Anh nói: "Nhìn không ra làm sao cả. Đã gọi là truyền thống rồi thì như bộ mặt văn hóa để giao tiếp nên không thể "lệch với quỹ đạo được". Mặc là tự do không thể ép không thể cản, nhưng đừng gọi mặc phá cách ấy là "áo dài".
Bất kỳ những cách mặc lệch chuẩn với áo dài đều đáng bị lên án?
Có nên quy chuẩn hóa áo dài?
Áo dài cắt xẻ, xuyên thấu, trong suốt hay mặc áo dài với váy đụp với nội y, thậm chí không quần... đều được quy chung vào một cụm từ "áo dài cách tân". Nhưng đó chỉ là cái cớ để người ta không bị chế giễu, phàn nàn, che đậy cho hành vi thay đổi quốc phục theo ý muốn cá nhân.
Vì những việc làm sai trái chỉ dừng lại ở mức độ chỉ trích của cư dân mạng, chưa có một điều lệ nào xử phạt hành chính răn đe nên việc "phá hoại" quốc phục vẫn diễn biến như ngọn lửa ngầm, không cháy lớn nhưng âm ỉ. Vậy nên, phần lớn việc gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc vẫn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người.
Trước những thay đổi không ngừng từ các "tín đồ thời trang", vậy quy chuẩn áo dài bao gồm những nguyên tắc cụ thể nào? Áo dài là một loại trang phục cách tân từ áo ngũ thân của Việt Nam, mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến hoặc quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ nhưng hiện nay thường được biết đến nhiều hơn với tư cách là trang phục nữ.
Áo dài xưa là trang phục đời thường cho cả nam và nữ (ảnh: pinterest.co.kr)
Áo dài từng được cách tân với vai phồng, cổ sen. Ảnh: marry.vn
Áo dài thường được mặc vào các dịp lễ hội, trình diễn hoặc tại những môi trường đòi hỏi sự trang trọng, lịch sự; hoặc là đồng phục nữ sinh tại trường trung học phổ thông hay đại học; hay đại diện cho trang phục quốc gia trong các quan hệ quốc tế.
Từ "Áo dài" được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế 2 tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.
Trước đây, áo dài thường được mặc kết hợp cùng với nón quai thao, nón lá hay là khăn đóng. Dựa theo hình dạng và cấu tạo của cổ áo, áo dài có thể coi là một dạng áo lập lĩnh, tức áo cổ đứng. Trước khi xuất hiện áo dài, trang phục phổ biến của người Việt là dạng áo giao lĩnh (tức áo cổ chéo) và áo viên lĩnh (tức áo cổ tròn). Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người được xem là có công sáng chế chiếc áo dài và định hình chiếc áo dài Việt Nam như ngày nay.
Hình vẽ từng chi tiết của một chiếc áo dài (Ảnh: Elle)