10/16/19
Bộ Ngoại Giao và Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ được cho là đang nghiên cứu kế hoạch bí mật rút 50 đầu đạn hạt nhân khỏi căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch được Washington xem xét từ cuối tuần trước, liên quan tới 50 đầu đạn hạt nhân đang lưu trữ ở căn cứ Không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 400 cây số, theo truyền thông New York dẫn lời 2 viên chức ẩn danh cho biết hôm thứ Hai.
The New York Times Photo
Một viên chức cấp cao khuyến cáo những vũ khí này có thể trở thành "con tin" của Ankara trong quan hệ với Washington. "Việc đưa chúng khỏi Incirlik có thể trở thành dấu chấm hết cho quan hệ đồng minh Hoa Kỳ - Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, việc lưu trữ chúng ở đó lại tạo ra điểm yếu hạt nhân vốn cần bị loại bỏ từ nhiều năm trước,” viên chức này nói thêm.
Đây có thể là biện pháp tiếp theo của Washington nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Ankara ở miền bắc Syria. "Tôi nghĩ đây là sự việc chưa từng có tiền lệ. Một quốc gia cho Hoa Kỳ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ lại đang bắn vào chính binh sĩ Hoa Kỳ,” ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Hoa Kỳ, nhận xét.
Tổng Thống Donald Trump hôm thứ Hai đã ký sắc lệnh cho phép trừng phạt tài chính nhắm vào các viên chức Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan tới chiến dịch quân sự tấn công vào dân quân người Kurd. Đồng thời, "Hoa Kỳ sẽ tăng thuế với sản phẩm thép nhập cảng từ Thổ Nhĩ Kỳ lên 50%, đồng thời ngừng đàm phán thỏa thuận thương mại trị giá $100 tỷ Mỹ kim với Ankara,” sắc lệnh của ông Trump viết.
Bộ Trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết Washington cũng đưa Bộ Trưởng Quốc Phòng, Bộ Trưởng Nội Vụ và Bộ Trưởng Năng Lượng Thổ Nhĩ Kỳ, cùng các cơ quan dưới quyền vào danh sách trừng phạt, đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ và cấm mọi giao dịch với họ.
Incirlik là một trong những căn cứ Không quân chiến lược của Hoa Kỳ ở nước ngoài với hơn 5,000 binh sĩ đồn trú, bên cạnh hàng trăm lính Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Đây là nơi cất cánh của nhiều phi đội chiến đấu cơ và hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Washington ở Trung Đông, cũng là nơi Không quân Hoa Kỳ lưu trữ các đầu đạn hạt nhân.
VĐ