Trận bóng ba 'không' ở Triều Tiên khiến nhiều người hâm mộ hiếu gì. Không có cổ động viên trong các trận bóng đá. Truyền hình trực tiếp cũng bị cấm. Đó là cách trận đấu vòng loại World Cup giữa Hàn Quốc và Triều Tiên diễn ra.
Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 15/10 có một trận đấu quan trọng trong vòng loại World Cup 2022 tại sân vận động Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino. Kết quả chung cuộc, hai đội hòa với tỷ số 0-0. Miêu tả về trận đấu, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc cho rằng nó "không khác gì một cuộc chiến".
"Thật tệ khi chúng tôi không thể chiến thắng, nhưng trận đấu diễn ra rất căng thẳng, đến mức tôi nghĩ việc trở về lành lặn mà không có bất kỳ chấn thương nào đã là một thành tựu lớn", Son Heung-min, cầu thủ đội tuyển Hàn Quốc đang đầu quân cho câu lạc bộ Tottenham Hotspur, nói. "Cầu thủ Triều Tiên rất nhạy bén và quyết liệt".
"Tôi chưa bao giờ xem một trận đấu bóng đá nào quyết liệt như thế. Nó chẳng khác gì một cuộc chiến", Choi Young-il, phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc, cho hay.
Theo huấn luyện viên đội Hàn Quốc Paulo Bento, trận đấu diễn ra "không tốt" bởi nó "thường xuyên bị gián đoạn" khi trọng tài buộc phải dừng trận giữa chừng để cảnh cáo các cầu thủ.
Về việc sân vận động không một bóng người xem, Son, đội trưởng đội Hàn Quốc, cho biết anh không cảm thấy sốc. "Nó khiến tôi tin rằng người Triều Tiên nghĩ chúng tôi là một đội mạnh", anh nói.
Các cầu thủ Hàn Quốc không được phép sử dụng điện thoại di động trong suốt thời gian lưu trú ở Bình Nhưỡng, tuy nhiên, Son chia sẻ cá nhân anh không quá bận tâm. "Tôi thích quy định đó bởi tôi phải ngủ rất nhiều".
Truyền thông nước ngoài mô tả trận đấu là "kỳ lạ" khi không có cổ động viên nào được phép vào sân, không tường thuật trực tiếp trên truyền hình và không có cả bóng dáng của đội ngũ báo chí nước ngoài.
Không phát sóng trực tiếp song phía chính quyền Triều Tiên cam kết sẽ giao cho đội Hàn Quốc một đĩa DVD ghi lại trận đấu trước khi họ rời Bình Nhưỡng ngày 16/10, Bộ Thống Nhất Hàn Quốc thông báo.
Đây là lần đầu tiên sau 30 năm trận đấu giữa hai đội được tổ chức trên lãnh thổ Triều Tiên. Lần gần đây nhất Hàn Quốc và Triều Tiên đối đầu trong một vòng loại World Cup là ở Seoul hồi năm 2009. Lúc bấy giờ, Triều Tiên thua với tỷ số 1-0 và đổ lỗi cho Hàn Quốc đã đầu độc các cầu thủ của họ trước trận đấu.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA chỉ đưa tin vắn tắt về trận đấu với đội tuyển Hàn Quốc vào sáng qua, thông báo kết quả cuối cùng là 0 đều sau hàng loạt cơ hội "tấn công và phản công".
Chủ tịch FIFA Infantino cho biết trong một thông báo rằng ông "cảm thấy rất thất vọng vì không nhìn thấy người hâm mộ nào trên khán đài".
"Chúng tôi thấy bất ngờ vì điều này và vì một số vấn đề khác liên quan đến việc truyền hình trực tiếp hay vấn đề với visa và quyền truy cập của phóng viên nước ngoài", ông nói, đồng thời thêm rằng với FIFA, tự do báo chí và tự do ngôn luận là điều tối quan trọng.
Năm ngoái, thế giới chứng kiến một nỗ lực đáng chú ý nhằm thúc đẩy ngoại giao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thông qua thể thao. Hai nước cử vận động viên tham gia chung đội khúc côn cầu và diễu hành chung tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2018 ở Hàn Quốc.
Động thái trên tạo tiền đề cho một loạt hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Hai bên thậm chí bàn về việc cùng đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Hè năm 2032.
Nhưng quan hệ Hàn - Triều từ đó đến nay bắt đầu nguội lạnh trong bối cảnh các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng bị đình trệ.
Ngoài việc không được truyền hình trực tiếp và khán đài trống trơn, truyền thông Hàn Quốc cũng bị cấm vào sân vận động. Chỉ 30 nhân viên của Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc với thiết bị thông tin liên lạc hạn chế được phép chuyển tiếp thông tin về trận đấu, giới chức ở Seoul cho hay.
"Luôn có ít nhất vài người hâm mộ Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chơi mà không có bất kỳ ai", hậu vệ Kim Min-jae nói hôm 14/10, trước khi trận đấu diễn ra. "Nhưng chúng tôi có thể vượt qua và chơi tốt".
Một người dùng trên mạng xã hội Naver của Hàn Quốc đặt câu hỏi: "Làm sao chúng ta có thể cùng đăng cai Olympics khi mà chúng ta thậm chí còn không thể xem chung một trận đấu bóng đá?".
"Tuyệt nhất là chúng ta chiến thắng nhưng thua cũng không sao. Tôi chỉ mong các cầu thủ trở về lành lặn", một người khác nói vui.