Chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi cắt giảm thêm lượng tiền mặt bắt buộc mà một số ngân hàng thương mại phải dự trữ tại ngân hàng trung ương, nhằm giúp các ngân hàng này có thêm vốn để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tác động của virus Covid-19 ngày càng nặng nề.
Cuộc họp của Hội đồng Nhà nước do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì đã kêu gọi sớm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng tham gia chương trình bảo đảm tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc cắt giảm tương tự đối với các ngân hàng thương mại cổ phần cũng được cam kết tại cuộc họp này.
Biện pháp nêu trên nhằm mục đích cung cấp nguồn vốn giá rẻ dài hạn cho các ngân hàng để khuyến khích họ giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị virus Covid-19 "tấn công". Thông thường, kết quả các cuộc họp như vậy từ Hội đồng Nhà nước sẽ được hiện thực hóa bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong vòng vài ngày sau đó.
"Chúng tôi hy vọng trong thời gian ngắn hạn PBOC sẽ xoay vòng giữa việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất cho vay trung hạn", ông Ding Shuang, giám đốc kinh tế khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered Hồng Kông, đã viết trong một ghi chú. "Với việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào tháng 3 tới, PBOC có thể chọn cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn vào tháng 4".
Theo ông Ding Shuang, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc dự kiến sẽ giải phóng ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ (43,1 tỷ USD) trong hệ thống ngân hàng, trong khi khả năng cắt giảm lãi suất tiền gửi chuẩn có thể xảy ra trong quý II. Và cam kết việc cắt giảm này chủ yếu được áp dụng đối với những ngân hàng có lượng lớn dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều này cho thấy những nỗ lực gia tăng để hỗ trợ các ngân hàng vừa và nhỏ, vì khách hàng của họ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và chất lượng tài sản của các ngân hàng này đã xấu đi đáng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, theo Wen Bin, nhà nghiên cứu tại China Minsheng Banking Corp. ở Bắc Kinh.
VietBF © sưu tầm