04/28/20
Vào giữa tháng Tư, 2020, một quyết định của Mỹ làm cho các đồng minh, nhất là hai đồng minh Á châu, Nhật Bản và Hàn Quốc bị rúng động, đó là việc các pháo đài bay B52, oanh tạc cơ B1, B2 khỏi căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam miền Tây Thái Bình Dương.
Các oanh tạc cơ này được đem về căn cứ không quân trên lục địa Hoa Kỳ, ở tiểu bang Bắc Dakota.
Căn cứ không quân-hải quân Guam vốn được xem như là phòng tuyến để bảo vệ đồng minh, cũng như quyền lợi Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương chống lại sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc.
Thông báo chính thức của Ngũ Giác đài về việc rút các oanh tạc cơ này là để cho các máy bay Mỹ có thể hoạt động trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương từ một mạng lưới căn cứ lớn hơn.
Các nhà quan sát đặt ra nhiều câu hỏi về sự triệt thoái này.
Thứ nhất là tại sao lại phải rút đi một căn cứ chỉ tốn vài giờ bay là đến các điểm nóng như eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, biển Đông, rồi lại nói rằng các oanh tạc cơ sẽ hoạt động trong vùng từ một mạng lưới rộng hơn?
Thứ hai là tại sao không rút về những nơi gần hơn như Alaska mà lại rút tận bên trong lục địa Mỹ?
Đã có những lời giải thích được đưa ra như là Mỹ lo ngại căn cứ Guam đã nằm dưới tầm ngắm của một loại hỏa tiễn của Trung Quốc. Nhưng nếu như thế thì căn cứ hải quân Guam nơi có các hàng không mẫu hạm Mỹ hay neo đậu, cũng phải rút đi, nhưng cho tới giờ này vẫn không nghe thấy như vậy.
Bên cạnh việc rút lui các oanh tạc cơ đã được thực hiện, còn có tin đồn nói rằng Mỹ đang muốn giảm số lượng hàng không mẫu hạm từ 11 chiếc còn chín chiếc. Nhưng đây mới chỉ là những dự tính bên trong Ngũ Giác Đài, cho rằng sẽ thay thế các hàng không mẫu hạm đó bằng loại tàu chiến hiện đại hơn chống tàu ngầm mà lại đỡ phí tổn hơn hàng không mẫu hạm. Mô hình này đang được hai nước châu Âu là Ý và Pháp đang hợp tác thực hiện. Tuy nhiên ý định này được cho là sẽ khó được thông qua ở Quốc hội Mỹ, nơi nhiều người muốn có hàng không mẫu hạm hơn.
Như vậy các câu hỏi vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Tờ Asia Times bình luận rằng lý do gì đi nữa thì người ta thấy sự cam kết hiện diện quân sự Mỹ ở vùng châu Á Thái Bình Dương đang sụt giảm, đối lại với sự tăng cường của lực lượng quân sự của Bắc Kinh.
NG HÒA