05/02/20
Các giới chức lãnh đạo liên bang và tiểu bang Mỹ phải chuẩn bị đối phó với tình trạng xấu nhất có thể xảy ra khi có đợt COVID-19 thứ nhì trong thời gian tới, gồm cả việc không có thuốc vaccine hoặc không có miễn nhiễm.
Nhóm khử trùng (PPE), mang thiết bị khử trùng vào nursing home Life Care Center tại Kirkland, Washington. (John Moore / Getty Images)
Theo bản tin của hãng thông tấn UPI hôm Thứ Sáu, 01-05, kết quả một cuộc nghiên cứu của Trung Tâm Bệnh Truyền Nhiễm tại đại học Minnesota cho thấy rằng nếu đợt đại dịch này đi theo khuôn mẫu của đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919, thì sẽ kéo dài trong hai năm và sẽ quay trở lại trong mùa Thu và Đông này.
Cơ thể con người không có sự miễn nhiễm tự nhiên đối với loại virus rất hay lây này. Và theo các nhà nghiên cứu thì sẽ phải cần tới 70% tổng số dân ở Mỹ dần dần phát triển được sự miễn nhiễm mới có thể làm chậm tình trạng lây lan.
Cũng theo cuộc nghiên cứu thì điều này phải cần thời gian từ 18 tới 24 tháng mới có được, nếu không sớm tìm ra loại vaccine để chủng ngừa.
Một số thống đốc tiểu bang đã bày tỏ sự lo ngại tương tự trong tuần này, nói rằng các kế hoạch mở lại hoạt động kinh tế đang bị đóng vì COVID-19, cần phải xét đến nguy cơ xảy ra đợt dịch thứ nhì.
Bản báo cáo nêu lên ba trường hợp có thể xảy ra về đại dịch trong thời gian cuối năm 2020 và sang năm 2010.
Trường hợp đầu tiên, trầm trọng nhất, là sẽ có sự tái phát lớn của dịch bệnh trước cuối năm nay. Trường hợp thứ nhì, sau đợt bùng phát mạnh mẽ hiện nay sẽ có một loạt các đợt nhỏ hơn, sang tới năm 2021. Trường hợp thứ ba, dịch bệnh sẽ âm ỉ lan rộng ra và không theo một mô hình rõ rệt nào.
“Hiện rất khó để tiên đoán là tình hình dịch bệnh tương lai sẽ ra sao và điều gì sẽ giúp cho có sự kiểm soát đại dịch này,” theo các nhà nghiên cứu.
(V.Giang/NV)