Việc Mỹ rút hết oanh tạc cơ chiến lược khỏi Guam nhằm ngăn chúng trở thành mục tiêu đánh phủ đầu trong khi vẫn trấn an đồng minh tại châu Á.
Không quân Mỹ hồi giữa tháng 4 rút toàn bộ 5 oanh tạc cơ B-52H khỏi sân bay quân sự Andersen trên đảo Guam nhưng không triển khai lực lượng thay thế, đánh dấu lần đầu tiên trong 16 năm qua Lầu Năm Góc không triển khai bất cứ máy bay ném bom chiến lược nào trên đảo Guam.
Động thái này kết thúc nhiệm vụ mang tên "Duy trì hiện diện Oanh tạc cơ Liên tục" (CBP) từ năm 2004, trong đó một phi đoàn B-52, B-1B Lancer hoặc B-2 Spirit luôn có mặt trên đảo Guam nhằm hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, cũng như bảo đảm gây áp lực liên tục với Triều Tiên.
Oanh tạc cơ B-52H diễn tập Voi đi bộ trên đảo Guam hôm 13/4. Ảnh: USAF.
Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM) cho rằng động thái rút lực lượng này sẽ tăng cường hiệu quả chiến đấu khi oanh tạc cơ B-52H đóng tại Bắc Mỹ vẫn có thể vươn tới Thái Bình Dương, trong khi thời gian triển khai máy bay ném bom đến hàng loạt điểm nóng như Trung Đông sẽ được rút ngắn.
Phát ngôn viên STRATCOM Kate Atanasoff khẳng định việc rút oanh tạc cơ B-52H khỏi Guam phù hợp với Chiến lược Phòng thủ Quốc gia mới, cũng như phương án "Triển khai Lực lượng Linh hoạt", trong đó các quyết định triển khai lực lượng được Lầu Năm Góc đưa ra một cách nhanh chóng, không báo trước để gây bất ngờ cho đối phương.
"CBP diễn ra đều đặn và dễ đoán trước, tạo ra điểm yếu tác chiến nghiêm trọng. Đối phương có thể dễ dàng vạch phương án tiêu diệt oanh tạc cơ tại Guam vì sự hiện diện công khai của chúng", Timothy Heath, chuyên gia cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RAND ở Mỹ, nhận xét.
Trên thực tế, Trung Quốc đang sở hữu một loại vũ khí rất lợi hại là tên lửa đạn đạo tầm xa DF-26, còn có biệt danh "sát thủ Guam", được nước này ra mắt năm 2015 và biên chế năm 2018. Tên lửa DF-26 được cho là có tầm bắn khoảng 4.500 km, mang theo đầu đạn tới 1,8 tấn, có khả năng tấn công tàu sân bay di chuyển trên biển và căn cứ Mỹ trên đảo Guam ngay cả khi bắn từ sâu trong lãnh thổ Trung Quốc.
Triều Tiên hồi năm 2017 cũng phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 6.000, khẳng định đây là một phần trong kế hoạch "khống chế Guam".
"Rút oanh tạc cơ chiến lược khỏi Guam sẽ giảm số lượng mục tiêu để Trung Quốc và Triều Tiên nhắm bắn", Carl Schuster, cựu tư lệnh Trung tâm Tình báo Hỗn hợp Thái Bình Dương của Mỹ, nêu quan điểm.
Động thái này dường như cũng giúp trấn an các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc. "Kết thúc CBP cho thấy Mỹ coi trọng các nghĩa vụ phòng thủ khi nghiêm túc cải thiện khả năng răn đe và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng then chốt", Heath nhận xét.
Các lực lượng chủ chốt như oanh tạc cơ sẽ được rút khỏi tầm tấn công phủ đầu của đối phương, trong khi vẫn duy trì sức răn đe nhờ trang bị tên lửa tầm xa và sự hỗ trợ từ máy bay tiếp dầu. "Chúng có thể tham chiến ở Thái Bình Dương trong vòng chưa đầy một ngày sau khi xuất phát từ căn cứ ở bang Bắc Dakota và Louisiana", Schuster cho hay.
Không quân Mỹ tuần trước chứng minh điều này bằng cách triển khai một oanh tạc cơ B-1B Lancer bay 30 tiếng liên tục từ căn cứ ở bang Nam Dakota đến Nhật Bản để hội quân với tiêm kích đóng quân tại nước này.
Oanh tạc cơ B-1B huấn luyện cùng tiêm kích Mỹ và Nhật hôm 22/4. Ảnh: USAF.
"Hoạt động này cho thấy cam kết của Mỹ với an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua việc triển khai lực lượng chiến lược toàn cầu. Chúng tôi vẫn là lực lượng hùng mạnh, sáng tạo và có khả năng phối hợp để bảo đảm tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do", tướng Charles Brown, tư lệnh Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết.
Schuster khẳng định quân đội Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự hùng hậu tại châu Á - Thái Bình Dương với hàng loạt phi đoàn tiêm kích tàng hình F-35, chiến đấu cơ F-15 và F-16, cũng như tàu chiến và tàu ngầm có khả năng ứng phó trong giai đoạn đầu của mọi xung đột quân sự trong khu vực.
"Các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng có lực lượng quân sự mạnh, động thái này thể hiện sự tin tưởng vào năng lực phòng thủ của họ", Schuster nói.
Tuy nhiên, vẫn có lo ngại cho rằng thông điệp của Washington sẽ bị hiểu sai, nhất là khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đang yêu cầu đồng minh tăng đóng góp ngân sách cho lực lượng đồn trú Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng hồi năm 2018 từng công khai chỉ trích chi phí quá cao để triển khai oanh tạc cơ từ Guam cho những cuộc tập trận ở Hàn Quốc.
Trong bối cảnh những bình luận của Trump đặt ra nhiều nghi vấn về cam kết của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, động thái rút hết oanh tạc cơ khỏi Guam càng gây thêm ngờ vực.
"Chấm dứt CBP gửi thông điệp chiến lược rõ ràng tới các đồng minh ở Thái Bình Dương rằng Mỹ đang dần rút lực lượng khỏi đây. Đó không phải hành động trấn an, nó nhắc nhở rằng mọi thứ đang thay đổi", Peter Layton, cựu sĩ quan không quân Australia, nêu quan điểm.
Layton nhấn mạnh đợt rút quân diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự với hàng loạt đợt diễn tập gần Đài Loan và trên Biển Đông. "Kết thúc CBP một cách công khai càng thể hiện Mỹ đang rút chân khỏi khu vực trong khi Trung Quốc trỗi dậy", ông cho hay.
Giới chuyên gia cho rằng Lầu Năm Góc sẽ phải tìm cách duy trì hiện diện trên bầu trời Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Quan chức Mỹ cần cho đồng minh thấy sự vắng bóng của oanh tạc cơ chiến lược là nhằm tăng cường cam kết với khu vực, không phải ngược lại", chuyên gia Heath nói.
VietBF@sưu tập