Theo tờ báo Pháp Le Monde đặt câu hỏi: Trận đấu này rồi sẽ đi đến đâu?, khi ở phía Trung Quốc, nền kinh tế thế giới thứ hai, dưới sự "lèo lái" của Tập Cận Bình, cũng đang thách thức nước Mỹ. Trong khi đó Tổng thống Donald Trump là lãnh đạo phương Tây đầu tiên kể từ cuối những năm 1970 đối đầu trực diện với Bắc Kinh.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Donald Trump (t) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ngày 29/06/2019 bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản). REUTERS/Kevin Lamarque
Chưa có một đời tổng thống Mỹ nào lại có một thái độ thù nghịch mạnh mẽ đến như thế với Trung Quốc thời kỳ hậu Mao Trạch Đông. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, làm thiệt mạng hơn 85.100 người ở Mỹ và khiến cho nền kinh tế cường quốc hàng đầu thế giới phải lao đao, kéo dài thêm bản "cáo trạng" mà Hoa Kỳ nhắm vào các lãnh đạo Trung Quốc, từ cạnh tranh bất chính, đánh cắp công-kỹ nghệ cho đến dùng vũ lực ức hiếp các nước láng giềng ở Biển Đông và nhất là hồ sơ Đài Loan.
Theo nhà báo Alain Frachon, trên tờ Le Monde, từ nửa thế kỷ qua, tuy có những bất đồng, nhưng chưa bao giờ đối kháng giữa hai nước lại đến mức "đỏ rực" như lúc này. Ngay cả sau vụ trấn áp đẫm máu Thiên An Môn năm 1989, Hoa Kỳ cũng chưa hề có những lời lẽ mạnh mẽ với Trung Quốc. Quan hệ trao đổi kinh tế vẫn là trên hết. Đối với phương Tây và Hoa Kỳ, sự phất lên của một tầng lớp trung lưu đông đảo ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy chế độ Cộng Sản đi tới tự do hóa chính trị.
Trong tiến trình này, Mỹ không dự báo sự xuất hiện của Tập Cận Bình. Mọi ảo tưởng có được từ những đồng thuận Mỹ-Trung tan thành mảnh vụn. Sau hơn nửa thế kỷ "ẩn mình", Trung Quốc thời Tập Cận Bình ngày càng tự tin hơn, khẳng định tìm lại được vị thế siêu cường đã có xa xưa. Trung Quốc không tự do hóa kinh tế cũng như hệ thống chính trị. Đảng Cộng Sản Trung Quốc giờ chẳng khác gì như một "Big Brother", ngày càng trở nên chuyên chế, kiểm soát chặt chẽ đời sống kinh tế, xã hội, và chính trị của đất nước nhờ vào công nghệ cao.
Khác với phương Tây và Hoa Kỳ, Tập Cận Bình có tầm nhìn dài hạn. Lợi nhuận tư bản trong tức thì không phải là mối bận tâm chính. Ông tin vào tính ưu việt của mô hình Trung Quốc để có thể thực hiện những điều không thể: đó là đưa Trung Quốc lên thành một cường quốc nổi trội trong một số lĩnh vực công nghệ nhằm tạo dựng một môi trường kinh tế tương lai.
Học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, kinh tế sẽ là công cụ hữu hiệu để Trung Quốc kiến tạo thế giới sao cho phù hợp với những lợi ích quốc gia. Trong số này, Bắc Kinh ưu tiên cho việc duy trì và quảng bá mô hình lãnh đạo "độc đảng" nhằm đối chọi với thế giới dân chủ tự do. Và đây là nguồn gốc của nền ngoại giao với đội ngũ các "chiến lbinh".
Giờ đây, cuộc đọ sức Mỹ - Trung không chỉ còn là vấn đề kinh tế, thương mại, mà là cả vấn đề hệ tư tưởng, công nghệ, hải quân và không gian. Nếu như Barack Obama là người đầu tiên muốn "kềm chân" Trung Quốc với sự hỗ trợ của các nước đồng minh, trái lại, chủ nhân Nhà Trắng hiện nay, ông Donald Trump lại muốn nước Mỹ "đơn thương độc mã" chống Trung Quốc vì không mấy tin tưởng các đồng minh của Hoa Kỳ.
Báo Le Monde nêu câu hỏi: Ông Trump có thể đi đến đâu trong ý định tách rời kinh tế Mỹ khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc? Cấm các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Wall Street ư? Hạn chế tối đa hay buộc các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ phải xin phép khi muốn làm ăn với các đối tác Trung Quốc? Hủy bỏ mọi hợp tác khoa học giữa hai nước chăng? Hạn chế các khoản đầu tư ở Trung Quốc của Quỹ Hưu trí Liên bang?
Đương nhiên, ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden sẽ ủng hộ một số giải pháp này. Nhưng để che giấu những thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19, Donald Trump đã quyết tâm tiến hành một chiến dịch chống Trung Quốc một cách cuồng loạn với đích ngắm là cuộc bầu cử tổng thống 03/11.
Với các yếu tố Trump – Tập đọ sức, có hai chủ nghĩa dân tộc bị kích động "quá liều", hai siêu cường lớn nhất thế giới đối đầu. Trong lịch sử, bối cảnh này hiếm khi mang lại những điều gì thuận lợi, tốt đẹp.