Mụn đầu trắng hình thành do bụi bẩn, bã nhờn, tế bào chết làm tắc nghẽn, bít lỗ chân lông. Vùng da xung quanh mụn đầu trắng có thể bình thường hoặc hơi đỏ, không có hiện tượng viêm. Mụn đầu trắng có thể chưa nhô hẳn lên bề mặt da mà vẫn nằm trong lỗ chân lông, không có cảm giác đau nhức.
Mụn đầu đen không sưng tấy hay đau đớn nhưng gây mất thẩm mỹ, làm to lỗ chân lông. Mụn đầu đen cũng hình thành do các sợi bã nhờn, bụi bẩn bị tích tụ trong lỗ chân lông. Các sợi bã nhờn có melanin khi bị oxy hoá bởi môi trường và bụi bẩn sẽ chuyển thành màu đen ở phần đầu mụn. Thay đổi hormones, căng thẳng kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện loại mụn này.
Mụn đỏ xuất hiện khi mụn đầu đen hoặc đầu trắng đã bị viêm, chuyển thành mụn đỏ, hơi sưng, có cảm giác hơi đau khi chạm vào. Vùng da quanh loại mụn này cũng thường có tình trạng đỏ do bị viêm nhiễm, dễ kích ứng. Có nhiều nguyên nhân làm xuất hiện mụn đỏ như kích ứng da, nhiễm trùng, bệnh chàm eczema, ăn uống kém khoa học...
Mụn mủ là tình trạng viêm nặng hơn của mụn đỏ, nhân mụn bắt đầu tích mủ vàng hoặc trắng, sưng to, đau nhức. Chúng hơi giống mụn đầu trắng nhưng kích thước thường to và đau hơn. Mụn mủ có thể xuất hiện do tình trạng da bít tắc dầu, tế bào chết hoặc dị ứng môi trường, dị ứng mỹ phẩm, thực phẩm. Ngoài ra, khi bị côn trùng cắn cũng có thể gây ra mụn mủ.
Mụn bọc là tình trạng viêm khiến mụn sưng to, đau nhức. Loại mụn này có thể trở nên nghiêm trọng nếu không có phương pháp xử lý sớm đồng thời dễ để lại sẹo, thay đổi sắc tố da. Mụn bọc có nhiều nguyên nhân như rối loạn hormones, ăn uống, các cơ quan nội tạng suy yếu...
Mụn viêm nặng thường chứa nhiều mủ, dễ nhiễm trùng lan sang các vùng da xung quanh, thường phải điều trị bằng thuốc chứa steroids. Loại mụn này cũng sưng to, đau nhức, khiến cả vùng da ửng đỏ. Đối với trường hợp mụn viêm nặng, tốt nhất bạn nên thăm khám bác sĩ sớm, tránh tự chữa khiến tình trạng da thêm phức tạp.