Một đám đông như thác lũ chặn lối vào Đường hầm Holland từ phía quận Manhattan kêu la ầm ĩ. Các cuộc biểu tình đòi bình đẳng sắc tộc ở Mỹ đã bước sang ngày 15 mà vẫn chưa hạ nhiệt.
Một người biểu tình cầm loa hô hào đám đông tập trung ngăn lối vào Đường hầm Holland tại thành phố New York, trong khi cảnh sát vẫn đứng sau những hàng rào gần đó. Dòng người liên tục đi qua các khu phố và hét lên: "Hãy tham gia cùng chúng tôi".
Người biểu tình chỉ chặn lối vào Đường hầm Holland một thời gian ngắn, sau đó tiếp tục di chuyển tới các địa điểm khác. Các tài xế dọc theo đường Canal gần đó đều bị kẹt xe, song hầu hết cho thấy sự ủng hộ với cuộc biểu tình. Một tài xế cho biết anh không ngại phải chờ đợi.
"Mọi người cần phải thức tỉnh và nhận ra rằng tình trạng phân biệt chủng tộc này cần phải biến mất", anh nói.
Đường hầm Holland là tuyến đường vượt sông Hudson nối khu vực Manhattan, New York với thành phố Jersey, bang New Jersey. Đây là đường hầm vượt sông đầu tiên tại Mỹ và là một trong những tuyến giao thông quan trọng của New York.
Đoạn đường bị người biểu tình phun sơn đỏ ở thành phố New York, Mỹ, hôm 11/6. Ảnh: NY1.
Nhiều nhóm biểu tình cũng tập trung tại Công viên Quảng trường Washington và nhiều khu phố lân cận. Khi đối mặt với các sĩ quan của Sở cảnh sát thành phố New York (NYPD), người biểu tình liên tục hô vang: "Làm thế nào để đánh vần từ phân biệt chủng tộc? NYPD" và kêu gọi cảnh sát bỏ việc.
Trước đó, một nhóm đông người biểu tình khác cũng tập trung tại đường 110 ở Harlem và phun sơn đỏ lên mặt đường. Người biểu tình kêu gọi mang sơn đỏ để "tượng trưng cho máu của người da màu đã đổ xuống vì cảnh sát".
Những cuộc tuần hành, biểu tình và thậm chí là bạo loạn nổ ra trên khắp các thành phố lớn ở Mỹ trong hơn hai tuần qua, sau khi George Floyd, một người da màu, bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5.
Tại thành phố Seattle, hàng trăm người biểu tình đã dựng rào chắn, chiếm khu vực trung tâm quận Capitol Hill và gọi đó là "khu tự trị". Người biểu tình muốn chính phủ tái phân bổ ngân sách cho cảnh sát vào các chương trình cộng đồng, trong khi nhiều người muốn hoàn toàn xóa bỏ lực lượng này.
VietBF@sưu tập