Quân đội Mỹ mở rộng hai bãi đỗ máy bay, làm lại đường băng và xây một số công trình hỗ trợ trên đảo Wake ở Thái Bình Dương.
Ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp đảo Wake ngày 25/6 cho thấy các công trình trên đảo gần đây được nâng cấp đáng kể. Đảo Wake là rạn san hô vòng nằm ở Tây Thái Bình Dương, cách đảo Guam hơn 2.400 km về phía đông.
Hoạt động mở rộng sân bay trên đảo Wake được cho là bắt đầu từ đầu năm và đang tiếp tục. Bãi đỗ máy bay chính ở phía đông hòn đảo cùng bãi đỗ phụ nằm xa hơn về phía tây, bên trên đường băng được mở rộng đáng kể. Khu vực đường băng đã được xây dựng lại toàn bộ. Một số công trình đang được xây dựng ở khu vực hỗ trợ nằm ở phía bắc hòn đảo.
Hoạt động mở rộng căn cứ trên đảo Wake diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc gia tăng đối đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hồi tuần trước, hai tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan diễn tập tại Biển Đông, cùng thời điểm quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Vị trí các công trình được cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới trên đảo Wake, ngày 25/6. Ảnh: Planet Labs.
Biên tập viên Tyler Rogoway của Drive nhận định trong tình huống nổ ra xung đột dữ dội và diễn biến nhanh chóng, đảo Wake có thể trở thành điểm lùi quân của Mỹ. Hòn đảo có thể nhanh chóng được củng cố năng lực phòng thủ nhờ hệ thống phòng không tại chỗ hoặc trên chiến hạm gần đó, đồng thời được bảo vệ nhờ hệ thống tên lửa đánh chặn ở căn cứ Fort Greely, Alaska.
Quân đội Mỹ cũng có thể biến đảo Wake thành điểm trung chuyển cho hoạt động của lực lượng không quân trong tình huống xung đột ở khu vực Thái Bình Dương. Oanh tạc cơ B-2 Spirit lần đầu tiên sử dụng hòn đảo, thay vì đảo Guam, làm điểm tiếp liệu và vũ khí sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Hickam ở Hawaii. Đây là phương án dự phòng nếu các căn cứ của Mỹ ở Guam bị đe dọa hoặc phá hủy.
Tiêm kích Mỹ hoạt động phía trên bầu trời đảo Wake. Ảnh: USAF.
Mỹ triển khai nhiều hoạt động nhằm phô diễn sức mạnh quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy sau Covid-19 và gây áp lực cho các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh. Trung Quốc nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ tại khu vực biên giới và thông qua luật an ninh quốc gia bị cho là hạn chế quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong.
Ngoài cuộc diễn tập của hai tàu sân bay Reagan và Nimitz hồi tuần trước, hải quân Mỹ thường xuyên điều chiến hạm và máy bay tuần tra tự do hàng hải, hàng không qua khu vực Biển Đông để thách thức yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Các trinh sát cơ và oanh tạc cơ của không quân Mỹ cũng tăng tần suất hoạt động trong khu vực trong những tháng qua.
VietBF@sưu tập