WHO đã phải thừa nhận việc Covid-19 có khả năng lây qua đường không khí. Được biết trước đó WHO đã phớt lờ cảnh bảo này từ các nhà khoa học. Dưới đây là những thông tin cụ thể.Tổ chức Y tế Thế giới công nhận nCoV lây truyền nhiều qua khí dung và không khí, sau khi nhóm 239 nhà khoa học chỉ trích WHO vì đã phớt lờ rủi ro này.
Trong cuộc họp ngày 7/7, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO, phát biểu: "Chúng tôi cho rằng khí dung hoặc không khí là một trong những đường truyền chủ yếu của Covid-19".
Trước đó, tổ chức từng tuyên bố nCoV có thể lây lan qua aerosol - giọt bắn kích cỡ siêu nhỏ, có thể lơ lửng trong không khí thời gian dài, song nhận định điều này chỉ xảy ra ở môi trường bệnh viện, khi bác sĩ tiến hành các thủ thuật y khoa như đặt nội khí quản.
Sau khi 239 nhà khoa học từ 32 quốc gia gửi bức thư ngỏ, đưa ra bằng chứng cho thấy các hạt khí dung trôi nổi này có thể dễ dàng lây nhiễm cho người hít phải chúng, WHO thay đổi quan điểm."Đây không phải động thái công kích nhắm đến WHO, mà là cuộc tranh luận mang tính khoa học. Chúng tôi thấy rằng họ cần phải công khai thừa nhận thông tin này", Jose Jimenez, chuyên gia hóa học, Đại học Colorado, một trong những người đã ký vào bức thư, cho biết.
Tuy nhiên, cũng trong buổi họp hôm 7/7, Giáo sư Benedetta Allegranzi, giám đốc chuyên môn về Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh truyền Nhiễm của WHO, nhận định những bằng chứng về đường lây lan đó chưa rõ ràng.
"Khả năng truyền qua không khí của Covid-19, đặc biệt tại những nơi đông đúc, kín khí, thông gió kém, là không thể chối cãi. Tuy nhiên, cần thu thập và giải thích bằng chứng một cách rõ ràng".
Theo ông Jimenez, trong lịch sử y khoa từng có làn sóng phản đối kịch liệt với khái niệm truyền bệnh qua khí dung, dù giới khoa học đưa ra bằng chứng xác đáng. Nguyên nhân là lo ngại công chúng trở nên hoảng loạn.
"Nhiều nhân viên y tế có thể sẽ từ chối đến bệnh viện làm việc, hoặc người dân sẽ ồ ạt đi mua khẩu trang N95, ảnh hưởng xấu đến các nước đang phát triển", ông nói.
|