Mỹ có thể có những hành động bất ngờ ở Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia chia sẻ váo báo chí rằng “Cuộc tập trận của hai tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc: Mỹ có thể đột xuất tập trung lực lượng hải quân, không quân ở Biển Đông".
Vị chuyên gia cho biết cuộc tập trận của Lực lượng Tấn công Tàu sân bay Nimitz ở Biển Đông là hoạt động quy tụ hai tàu sân bay đầu tiên kể từ năm 2014.
Các cuộc tập trận này có sự tham gia của lực lượng phòng không và tấn công chính xác tầm xa trong môi trường toàn miền (trên biển, trên không và dưới mặt nước).
Chiến lược cố định nhưng bất ngờ về hành động
Lực lượng Tấn công Tàu sân bay Nimitz tới Biển Đông hôm 4/7 do tàu sân bay USS Nimitz cùng Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) hình thành nên.
USS Nimitz đi cùng tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Princeton (CG 59) và hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sterett (DDG 104) cùng tàu USS Ralph Johnson (DDG 114).
Còn USS Ronald Reagan có sự hộ tống của tuần dương hạm tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG 54) và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89). Mỗi Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) còn kèm theo một tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Sự triển khai này phản ánh rõ ràng Chiến lược Quốc phòng của Mỹ (2018), theo đó các lực lượng quân sự Mỹ được chỉ thị thống nhất về mặt chiến lược nhưng bất ngờ về hành động, giáo sư Thayer cho hay.
“Năm 2020, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã thực hiện ba mũi nhọn riêng biệt theo chỉ thị này. Thứ nhất, tăng cường sự hiện diện và các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Thứ hai, Hải quân Mỹ gia tăng số cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Thứ ba, Không quân Mỹ điều chỉnh các cuộc tuần tra hiện diện máy bay ném bom liên tục bằng cách rút các máy bay ném bom chiến lược B-52 từ Guam và thay thế chúng bằng các máy bay ném bom tàng hình B-1. Các máy bay ném bom Mỹ từ Guam, Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và từ các sứ mệnh bay từ lục địa Mỹ tới Biển Đông. Các cuộc tuần tra hiện diện máy bay ném bom liên tục là một phần của chương trình toàn cầu”, chuyên gia Australia nói với ****.
Trước cuộc tập trận ở Biển Đông được cho là gửi cả tín hiệu quân sự và địa chính trị tới Trung Quốc và khu vực nói trên, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Hạm đội Thái Bình Dương, đã triển khai 3 tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương để chứng minh sự thông suốt về mặt chiến lược nhưng không thể đoán định về hành động.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tham gia cùng Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz trong các cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Philippines hôm 21/6.
Tàu sân bay USS Nimitz vào cảng ở Seoul, Hàn Quốc năm 2013. Ảnh: AP.
“Để gia tăng khả năng hoạt động không thể đoán định, Không quân Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 từ căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana, miền Nam nước Mỹ, bay đến Biển Đông tham gia các hoạt động trên biển với Lực lượng Tấn công Tàu sân bay Nimitz”, ông Thayer đánh giá.
Tờ Wall Street Journal đánh gia động thái này cho thấy khả năng của Không quân Mỹ nhanh chóng di chuyển khí tài đến các điểm nóng trên thế giới.
Mỹ không thông báo cụ thể nơi hoạt động của Lực lượng Tấn công Tàu sân bay Nimitz. Do vô tình hay có kế hoạch từ trước, các hoạt động của Hải quân Mỹ đang diễn ra cùng lúc với cuộc tập trận của Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, quần đảo của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Đầu tuần trước, Lầu Năm Góc nói rằng họ đang giám sát các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố đưa ra ngày 2/7 của Lầu Năm Góc cũng chỉ rõ những cuộc tập trận đó "gây phản tác dụng những nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định trong khu vực".
Tuyên bố cho rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận về ứng xử ở Biển Đông, "gây bất ổn hơn đối với tình hình”.
Động thái hiếm thấy
Theo NBC, ông Sébastien Roblin, chuyên gia bình luận về an ninh quốc tế và lịch sử quân sự, cho rằng các sự mệnh tuần tra mới nhất nói trên của tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông là trường hợp hiếm hoi khi luật pháp quốc tế, sứ mệnh bảo vệ các nước yếu hơn và lợi ích quốc gia của Mỹ hội tụ.
“Các tàu sân bay củng cố cam kết của Mỹ trong bảo vệ lợi ích chung toàn cầu khi đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển”, ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia chỉ rõ quyết định điều hai tàu sân bay cùng diễn tập và tuần tra trên Biển Đông là động thái kịp thời nhằm trấn an các đồng minh, đối tác về cam kết của Mỹ trong việc kiềm chế đối thủ mà không gây xung đột quân sự.
Ngoài câu chuyện Chiến lược Quốc phòng, còn có các yếu tố khác liên quan tới động thái mới nhất này của Mỹ ở Biển Đông.
Theo ông Thayer, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đã hoàn toàn khôi phục hoạt động sau khi cập cảng để xử lý ổ dịch Covid-19 trên tàu hồi tháng trước, và Mỹ đang chứng tỏ rằng bất chấp virus corona, họ có thể triển khai lực lượng quân sự đáng kể ở Biển Đông.
Đài CNN hôm 8/7 dẫn lời hai đô đốc Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm về cuộc tập trận trên Biển Đông khẳng định đang áp dụng các biện pháp "phi thường" để ngăn chặn dịch Covid-19 trên hai tàu sân bay với tổng cộng hơn 12.000 thủy thủ và phi công.
Theo đó, các biện pháp được Hải quân Mỹ áp dụng nhằm ngăn chặn lặp lại tình trạng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
"Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phi thường để bảo vệ các thủy thủ khỏi Covid-19, nhưng đây vẫn là mối đe dọa thực sự và đòi hỏi phải liên tục cảnh giác. Mọi người trên tàu đều đang chấp hành và được yêu cầu đeo khẩu trang", Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy của lực lượng tấn công Carrier Strike Group 5 do tàu USS Ronald Reagan dẫn đầu, cho biết hôm 8/7 từ Biển Đông.
Nhận định về mục đích trên hết của cuộc tập trận, ông Thayer nói với ****: “Cuộc tập trận của Mỹ ở Biển Đông gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Mỹ có thể đột xuất tập trung lực lượng hải quân và không quân ở Biển Đông có năng lực tấn công tầm xa. Giới chức Mỹ cũng nói rằng các cuộc tập trận hải quân này ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch ở Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết cuộc tập trận với sự tham gia của hai tàu sân bay thể hiện sức mạnh mà ít nhất trong thời điểm này, chỉ có Hải quân Mỹ có được.
Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay hoạt động thường trực trong khi tàu sân bay thứ hai của nước này chưa đạt tới tình trạng đó.
Tuy nhiên, cả hai tàu sân bay của Trung Quốc đều không có độ lớn và năng lực mang theo lượng máy bay lớn như hai tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
"Cuộc tập trận của Hải quân Mỹ chứng tỏ ai có sức mạnh tiềm tàng lớn hơn", ông nói.
VietBF@ sưu tầm.