Nhiều công ty Nhật Bản đang hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tăng muốn rời đi sau khi chính phủ Tokyo tung ra chương trình tài trợ nhằm lôi kéo các công ty đưa nhà máy về nước.
Một nhà máy dệt ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo Nikkei, chính phủ Nhật Bản đã chứng kiến sự quan tâm mạnh mẽ tới các khoản hỗ trợ nhằm đưa hoạt động sản xuất của các công ty về nước, sau khi đại dịch Covid-19 cho thấy mối rủi ro của việc chuỗi cung ứng tập trung ở một khu vực, cụ thể là ở Trung Quốc.
Nhật Bản đã tung ra chương trình trị giá 220 tỷ yên (2,07 tỷ USD) nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Trong đợt đầu kết thúc vào tháng 6, chính phủ đã phê duyệt 57 dự án với tổng giá trị 57,4 tỷ yên, chiếm hơn một nửa trong số 90 số đơn đăng ký từ các công ty.
Tại giai đoạn nộp đơn thứ 2 đóng vào tháng 7, số lượng công ty quan tâm tới chương trình trên tăng vọt. Nhật Bản nhận được 1.670 đơn đăng ký, tương đương với khoản ngân sách 1.76 nghìn tỷ yên - cao gấp 11 lần số tiền còn lại trong ngân sách. Kết quả lựa chọn sẽ được công bố trong tháng 10 khi các chuyên gia xem xét xong các đơn đăng ký.
Mặc dù chính phủ Nhật Bản gần đây chưa có kế hoạch chi thêm ngân sách cho chương trình, nhưng một số ứng viên tiềm năng thay thế Thủ tướng Abe Shinzo đã nhắc tới các biện pháp để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Khoảng 30 công ty khác đã được phê duyệt nhận tiền hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình trị giá 23,5 tỷ yên nhằm chuyển nhà máy tới các nước Đông Nam Á.
Trợ cấp được áp dụng cho hoạt động sản xuất hàng hóa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng hoặc được sản xuất phần lớn ở một số quốc gia cụ thể. Nhiều dự án được phê duyệt liên quan tới mặt hàng như khẩu trang và các sản phẩm y tế. Trợ cấp bao gồm một phần chi phí nhất định, tối đa 15 tỷ yên cho mỗi dự án.
Theo Nikkei, cuộc thương chiến Mỹ - Trung được cho là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công ty Nhật Bản lo ngại về một môi trường kinh doanh không ổn định và yếu tố an ninh kinh tế được coi trọng.
Đại diện từ một công ty nhận được trợ cấp nói rằng họ đã quyết định đưa việc sản xuất về nước dù có được hỗ trợ tiền hay không.
Ngoài ra, Trung Quốc trước đó từng hấp dẫn với các nhà sản xuất nước ngoài vì chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, con số đó đang dần gia tăng khiến họ mất đi ít nhiều lợi thế khi các công ty cân nhắc việc đặt nhà máy.
VietBF@sưu tập