Đối mặt với "môi trường bên ngoài nhiều luồng gió ngược" giữa đại dịch, Trung Quốc phải tự lực để vượt qua, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Ông Tập gần đây tới thăm các cánh đồng ngô tại "Vành đai Ngô vàng" ở tỉnh Cát Lâm, trong bối cảnh nỗi lo về nguồn cung lương thực gia tăng sau những diễn biến phức tạp của Covid-19. Ông còn tới thăm các nhà máy thép đang cố gắng vượt qua tình cảnh kinh doanh khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, đến thị sát một trung tâm nghiên cứu đổi mới vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dựng thêm các rào cản chống lại sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Thông qua những chuyến đi như vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn truyền đi một thông điệp quan trọng: Trung Quốc cần tái cơ cấu nền kinh tế để trở nên tự lực hơn trong một thế giới bất ổn thời hậu Covid-19, nhu cầu suy giảm và sự thù địch gia tăng, theo bình luận viên Chris Buckley của NYTimes.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm chiến thắng của Trung Quốc trước Nhật Bản trong Thế chiến II ngày 4/9. Ảnh: AFP.
Ông từng nói rằng Trung Quốc cần người dân chi tiêu nhiều hơn và các nhà sản xuất phải tích cực đổi mới hơn nhằm giảm bớt phụ thuộc vào kinh tế hay biến động ở nước ngoài. Cấp bách hơn cả, Bắc Kinh phải sẵn sàng trước một kịch bản đối đầu lâu dài với Washington, điều có thể gây rủi ro cho nỗ lực của Trung Quốc khi tiếp cận người tiêu dùng và nhà đầu tư Mỹ.
"Thế giới đã bước vào thời kỳ hỗn loạn và biến đổi nhanh chóng", ông Tập nói trước các nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc tại một hội nghị ở Bắc Kinh cuối tháng trước. "Chúng ta đang phải đối mặt một môi trường bên ngoài với nhiều luồng gió ngược", vậy nên Trung Quốc cần "tạo ra đột phá trong các ngành công nghệ cốt lõi càng nhanh càng tốt", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập gọi sáng kiến mới của mình là chiến lược "lưu thông kép". Khái niệm này, được ông sử dụng lần đầu hồi tháng 5, ngụ ý rằng Trung Quốc nên dựa vào nhu cầu mạnh mẽ ở trong nước và đổi mới làm động lực chính của nền kinh tế, song vẫn duy trì thị trường và nhà đầu tư nước ngoài như một động lực tăng trưởng thứ hai.
Với nhiều người, sáng kiến mới nhất của Chủ tịch Tập giống như phiên bản khác của lời hứa cải tổ kinh tế mà giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra từ ít nhất năm 2006: Giúp tiêu dùng nội địa đóng vai trò lớn hơn trong hoạt động kinh tế, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, chiến lược mới đang được Chủ tịch Tập rất coi trọng. Ông coi đó là một mệnh lệnh an ninh nhằm giữ động lực phát triển cho Trung Quốc giữa thời đại hỗn loạn toàn cầu.
"Chính sách này liên quan rất nhiều tới môi trường quốc tế đang thay đổi mà Trung Quốc phải đối đầu, đặc biệt là sự xuống cấp quan hệ Mỹ - Trung", Yao Yang, hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia, Đại học Bắc Kinh, nhận xét. "Trung Quốc cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, ở đó Mỹ chặn đứng Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ nhất định".
Các quan chức và chuyên gia Trung Quốc đã gấp rút đưa ra những đề xuất để hiện thực hóa chiến lược của Chủ tịch Tập. Một số người thúc giục chính phủ tăng cường hỗ trợ các công ty công nghệ Trung Quốc. Số khác kêu gọi giảm bớt những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo rằng Trung Quốc vẫn giữ được bạn và không bị cô lập.
Ông Tập từng tuyên bố rằng "lưu thông kép" sẽ định hình kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo của Trung Quốc. Kế hoạch này dự kiến được hoàn thành sơ bộ vào cuối năm nay và triển khai vào năm tới.
Các lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đánh giá các đề xuất nhằm đáp ứng những mục tiêu mà Chủ tịch Tập đề ra khi họ cùng nhau xây dựng kế hoạch 5 năm. Trọng tâm các cuộc thảo luận của họ là làm thế nào Bắc Kinh có thể đối phó với những hạn chế được đặt ra bởi Mỹ cùng những nền kinh tế khác đang ngày càng trở nên thất vọng và cảnh giác với Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một kịch bản bị tách biệt hơn nữa", Zhu Ning, phó chủ nhiệm Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Trong hầu hết các nội dung tuyên truyền, tiêu dùng trong nước luôn nhận được sự quan tâm nhiều hơn so với tiêu dùng nước ngoài".
Con đường Chủ tịch Tập đang lựa chọn phản ánh một chiến lược rộng lớn hơn mà ông vạch ra cho Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ và các cường quốc phương Tây khác vẫn hỗn loạn vì khủng hoảng Covid-19, chuyên gia nhận định.
Trong chuyến thị sát vùng đất nông nghiệp ở phía đông bắc Trung Quốc hồi tháng 7, ông đề cập đến việc phải đảm bảo đất nước có đủ khả năng tự nuôi sống mình. Tại tỉnh An Huy ở miền trung Trung Quốc, ông đến thăm một trung tâm đổi mới công nghệ trưng bày các điện thoại di động "bảo mật lượng tử", vi mạch cùng những biểu tượng khác về công nghệ "cây nhà lá vườn".
Trung Quốc đang "đối mặt với môi trường bên ngoài nơi thị trường toàn cầu dần thu hẹp", ông nói trong chuyến thăm An Huy. Xuất khẩu của Trung Quốc đã phục hồi phần nào sau cú sốc Covid-19, nhưng Chủ tịch Tập cho rằng triển vọng dài hạn hiện vẫn không chắc chắn.
Tăng cường những nỗ lực tái thiết nền kinh tế là một "bước đi chiến lược dài hạn", ông nhấn mạnh, như để xóa tan mọi nghi ngờ về quyết tâm của mình.
Chương trình của Chủ tịch Tập dường như sẽ mang đến nhiều biện pháp hơn nhằm hỗ trợ các ngành dịch vụ trong nước, như du lịch, và hỗ trợ nhiều hơn cho các nguồn năng lượng mới để thay thế dầu mỏ nhập khẩu, Wang Wen, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Tài chính Trung Dương, trụ sở ở Bắc Kinh, đánh giá. Theo ông, chiến lược mới sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự nhiều tham vọng hơn là chỉ tăng chi tiêu nội địa.
Để tăng tiêu dùng trong nước, chính phủ Trung Quốc cần giảm đáng kể bất bình đẳng thu nhập xã hội. Người nghèo khó có khả năng chi tiêu thoải mái khi thu nhập khả dụng của họ thấp và họ thường có xu hướng tiết kiệm tiền đề phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Đây được cho là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và sẽ vấp phải không ít rào cản.
"Ít nhất về mặt lý thuyết, bất kỳ nỗ lực nào giúp làm giảm bất bình đẳng đều sẽ khiến tiêu dùng nội địa tăng lên", Jane Golley, nhà kinh tế học tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, nhận xét. "Thất bại trong việc giảm bất bình đẳng là một phần lý do khiến Trung Quốc phải vật lộn để có được sự gia tăng đáng kể trong thị phần tiêu thụ".
Sáng kiến "lưu thông kép" của ông Tập có thể sẽ mang đến những tác động tức thì thông qua việc gia tăng gấp đôi nỗ lực xây dựng công nghệ trong nước và giảm phụ thuộc vào vi mạch do nước ngoài sản xuất cũng như các thành phần quan trọng khác trong điện thoại thông minh, máy tính...
Nhiều quan chức và nhà phân tích Trung Quốc nói rằng sự thù địch của Mỹ đã buộc Bắc Kinh phải mạnh tay chi tiêu hơn để tạo ra những công nghệ quan trọng của riêng mình. Chính quyền Trump hồi tháng 8 tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh khi thông báo sẽ ngăn Huawei, gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc, mua chip được sản xuất hoặc thiết kế bằng thiết bị và phần mềm Mỹ.
Chiến lược mới không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ đóng cửa với các nhà đầu tư và thị trường nước ngoài, giới chức Trung Quốc nhấn mạnh. Giới chuyên gia trong khi đó lưu ý rạn nứt với Mỹ sẽ tàn phá kinh tế của cả đôi bên.
Một cuộc tranh luận đang nổ ra về việc Trung Quốc nên làm gì để củng cố thành lũy kinh tế của mình nhưng vẫn có thể tiếp cận rộng rãi các thị trường nước ngoài.
Giáo sư Yu Yongding, nhà kinh tế học ở Bắc Kinh, tháng trước thổi bùng tranh cãi khi lập luận rằng sáng kiến mới của ông Tập nên bao gồm cả những nỗ lực nhằm cải tiến chương trình "Made in China 2025", một chương trình hỗ trợ sản xuất trong nước bị chính phủ các nước khác chỉ trích là không công bằng.
Ông Tập thường có xu hướng nêu ra mục tiêu lớn trước tiên, sau đó để các cấp dưới đề xuất chiến lược, phương pháp thực hiện. Năm 2015, ông nêu lên mục tiêu "cải cách cơ cấu bên cung" nhằm cắt giảm năng lực công nghiệp đang phình to quá mức. Cuối cùng, nó đã phát triển từ một câu khẩu hiệu thành một chiến lược mang lại nhiều kết quả tích cực.
"Giới lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra các câu khẩu hiệu như vậy vì họ nghĩ mọi thứ sẽ dễ dàng. Họ nêu chúng lên để tất cả các cấp trong bộ máy phải tập trung, linh động và dành ưu tiên cho chúng", Julian Gewirtz, nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, chuyên nghiên cứu về chính trị Trung Quốc, bình luận. "Chiến lược lưu thông kép còn cả chặng đường dài phải đi".
VietBF @ Sưu tầm