Cảng vũ trụ phương Đông nằm ở ngoài khơi thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Sơn Đông, giúp giảm bớt nguy cơ mảnh vỡ tên lửa rơi xuống khu dân cư.
Tên lửa Trường Chinh 11 phóng trên biển Hoàng Hải vào ngày 5/6/2019. Ảnh: CASC.
Cơ sở phóng di động được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC). Sau khi đi vào vận hành, cảng vũ trụ này sẽ phục vụ phóng phương tiện nhẹ, chế tạo và bão dưỡng tên lửa, vệ tinh và các ứng dụng liên quan. Là cơ sở phóng thứ 5 ở Trung Quốc, công trình sẽ tăng cường tính linh hoạt cho chương trình vũ trụ của nước này.
Việc bổ sung bệ phóng trên biển giúp giảm thiểu nguy cơ đối với những khu vực đông dân. Hiện nay, tất cả cơ sở phóng khác của Trung Quốc đều nằm trong đất liền, bao gồm Tửu Tuyền (tây bắc), Thái Nguyên (miền bắc), Tây Xương (tây nam) và khu vực ven biển Văn Xương trên đảo Hải Nam (miền nam). Hoạt động phóng từ những khu vực này thường dẫn tới các tầng tên lửa đã sử dụng rơi trở lại mặt đất, đòi hỏi công tác đảm bảo an toàn và thu gom mảnh vỡ.
Xây dựng cảng vũ trụ nổi cũng đáp ứng tốc độ mở rộng dịch vụ phóng của Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong 20 năm qua, các vụ phóng sử dụng dòng tên lửa Trường Chinh đã tăng vượt bậc từ một vụ phóng bằng tên lửa Trường Chinh 2F vào năm 2001 đến 37 lần vào năm 2018, sử dụng kết hợp mẫu Trường Chinh 2, 3, 4 và 11.
Tính đến nay, CASC đã thực hiện 26 lần phóng trong năm 2020 dù vấp phải nhiều hạn chế do Covid-19. Cảng vũ trụ ngoài khơi bán đảo Sơn Đông sẽ góp phần phát triển cụm sản xuất công nghiệp và hàng không vũ trụ trong vùng, bao gồm xây dựng tổ hợp phóng thương mại gần Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền.
Vụ phóng đầu tiên từ Cảng vũ trụ phương Đông đang xây dựng diễn ra vào ngày 5/6/2019, khi tên lửa Trường Chinh 11 vận chuyển 7 vệ tinh lên quỹ đạo. CASC dự định tiến hành vụ phóng thứ hai bằng tên lửa Trường Chinh 11 trước dịp cuối năm 2020.
VietBF @ Sưu tầm