Mỹ mang thiết giáp địa hình Beowulf BVS10 đến Bắc Cực cạnh tranh với Nga. Mỹ tăng cường hiện diện của quân đội với đột phá là thiết giáp địa hình Beowulf BvS10 tới khu vực này nhằm phá thế độc tôn từ phía Nga vì nhận thấy nguồn tài nguyên tiềm năng và lợi thế hàng hải rất lớn tại Bắc Cực khi băng tan.
Là một phần trong chiến lược khai phá Bắc Cực, Quân đội Mỹ đang nhanh chóng tiến tới chế tạo phương tiện đặc biệt chuyên hoạt động trong điều kiện thời tiết lạnh khắc nghiệt nhất. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhà cung cấp BAE Systems phát triển phương tiện vượt địa hình mang tên “Beowulf” thuộc dòng xe bọc thép địa hình BvS10. Được biết dòng xe này hiện đang được sản xuất và đã đi vào hoạt động với nhiều biến thể tại 5 quốc gia. Trước đây, các xe BvS10 cũng được đưa vào biên chế phục vụ Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh vào năm 2005.
Trước mắt, Lầu Năm Góc triển khai phương tiện vượt địa hình Beowulf BvS10 hỗ trợ cho các lực lượng hoạt động thuận lợi tại vùng cực lạnh giá. Beowulf và các "họ hàng" của nó là xe thiết giáp địa hình BvS10 được đánh giá là một trong những phương tiện tiên tiến nhất trên thế giới có thể hoạt động ở mọi địa hình.
Dòng xe địa hình mới sẽ trang bị bánh xích và hệ thống cảm biến đo đạc độ dày của lớp băng. (Nguồn: National Interest)
Thiết giáp bánh xích giúp phá băng hiệu quả
Ông Keith Klemmer, Giám đốc phát triển kinh doanh của BAE Systems, cho biết, khả năng lội nước vượt trội và cấu trúc đặc biệt cho phép Beowulf chạy dễ dàng trong các khu vực ngập nước hoặc trong các môi trường nước ven biển. Beowulf BvS10 kết hợp công nghệ ô tô thương mại, làm tăng sự thoải mái cho nhóm lái ngồi cabin và giảm gánh nặng bảo trì.
Việc có một phương tiện vượt địa hình mang đến một số lợi thế chiến thuật cho quân đội hoạt động ở vùng cực lạnh lẽo. Beowulf phát huy thế mạnh có thể vận chuyển người và hàng hóa trên những địa hình nguy hiểm và gồ ghề. Trong một số trường hợp nó có thể trở thành phương tiện không người lái vận chuyển vật tư, đạn dược, nhiên liệu và các nguồn nhu yếu phẩm khác, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho binh sĩ.
Ngoài ra, xe Beowulf BvS10 có thể tham chiến vào các cuộc tấn công ở Bắc Cực hoặc bất cứ một cuộc tiến công nào khác. Beowulf BvS 10 có thể hỗ trợ các chiến thuật tiến công của bộ binh và thậm chí là “ngựa thồ” kéo tải các hệ thống vũ khí như đạo pháo, súng cối. Ngoài ra, bên trong thiết giáp địa hình này còn được gắn thêm các cảm biến nhằm đánh giá độ dày hoặc độ chắc của băng đảm bảo an toàn khi di chuyển.
Tất nhiên, Tập đoàn BAE Systems chưa đưa ra bất cứ thông tin chi tiết cụ thể nào liên quan đến việc sản xuất và cung cấp Beowulf BvS10, ngoại trừ việc thiết giáp này sẽ mang hình dạng một chiếc xe bánh xích, tích hợp loại công nghệ làm ấm và động cơ đẩy hiện đại mạnh mẽ hơn trong thời tiết lạnh. Nhờ vào các bánh xích lớn, Beowulf có thể leo lên các sông băng và lao xuống ở tốc độ an toàn mà không bị trượt.
Hệ thống kỹ thuật của Beowulf kết hợp một số công nghệ làm nóng thân tàu, làm tan băng - hiện đang được sử dụng rộng rãi trong các tàu phá băng đang hoạt động ở Bắc Cực, giúp ngăn động cơ hoặc dầu xe bị đóng băng trong môi trường nhiệt độ dưới 0 độ.
Cuộc cạnh tranh nắm giữ ngôi vương ở cực Bắc
Từ lâu, điều kiện tự nhiên không thuận lợi tại Bắc Cực là những thách thức đối với các hoạt động tác chiến và khai thác tài nguyên. Lớp băng tuyết ngày càng tan chảy đã thu hút sự quan tâm từ các quốc gia lân cận, bao gồm cả Mỹ (vì có bán đảo Alaska). Hầu hết các nước giáp với Bắc cực đều tăng cường hoạt động và gia tăng sự hiện diện ở khu vực tiềm năng này. Điều đó tạo ra một cuộc cạnh tranh quốc tế trên băng tuyết, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu và nhiệt độ nước biển tăng đã đẩy nhanh tốc độ tan băng hơn bao giờ hết. Nhờ đó, các tuyến đường thủy mới được mở ra và các cảng biển trung chuyển đầy hứa hẹn, phát lộ nguồn tài nguyên dồi dào, cũng như lợi thế hàng hải chiến lược khiến các nước lớn không thể nào bỏ qua "miếng mồi ngon" Bắc Cực.
Tuyến đường biển chạy dọc theo đường biên giới phía Bắc của Nga được coi là hệ thống đường thủy lớn nhất và nổi bật nhất nằm trong khu vực vòng cực Bắc. Để nâng cao khả năng phòng thủ và quyền lợi tài nguyên của mình, Nga đã phát triển nhiều đội nhiều tàu phá băng vượt trội so với các đối thủ. Đồng thời, Moscow cũng đã ồ ạt gia tăng sức ảnh hưởng tại Bắc Cực và thành lập các lực lượng thường trực.
Chính vì điều đó đã thúc đẩy mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà phát triển vũ khí Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh Bắc Cực có thể xảy ra trong tương lai. Băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn nhiều so với dự đoán trước đây cũng khiến các cường quốc nhận thấy nhu cầu cấp bách phải đẩy mạnh việc chuẩn bị một cuộc chiến mới có thể nổ ra sớm hơn 10 năm so với dự kiến.
Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ đang tìm cách cải tiến hệ thống vũ khí tiên tiến có thể hoạt động trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt. Được biết, Lầu Năm Góc đã sản xuất và theo dõi hoạt động nhanh các tàu phá băng mới. Mỹ còn cử các đơn vị của lực lượng Lục quân chuyên hoạt động ở địa hình băng tuyết lạnh giá. Chẳng hạn như Sư đoàn biệt kích Moutain 10 và các lực lượng đóng tại Alaska đang tăng cường mở rộng quy mô và tần suất tập luyện để chuẩn bị sẵn sàng cho các chiến tranh trong điều kiện thời tiết giá lạnh.
VietBF@ sưu tầm.