Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hàng trăm sinh viên nước này bị "quấy rối và thẩm vấn" khi chuẩn bị rời Mỹ từ tháng 5 đến tháng 9.
"Trong mùa hè này, Mỹ đã sử dụng quyền lực tư pháp để làm phiền và thẩm vấn sinh viên Trung Quốc, thậm chí bắt và truy tố họ với những cáo buộc sai trái", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 21/10.
Theo ông Triệu, từ giữa tháng 5 đến tháng 9, gần 300 sinh viên trong chương trình trao đổi sinh viên nước ngoài của Trung Quốc đã bị quấy rối và thẩm vấn tại sân bay Mỹ. Điện thoại di động, máy tính xách tay và các đồ dùng cá nhân khác của một số người bị kiểm tra, thậm chí bị tịch thu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Ông Triệu không đề cập chi tiết bất kỳ trường hợp cụ thể nào, cũng không nói rõ các con số được thống kê ra sao. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây, khiến sinh viên Trung Quốc tới thăm và làm việc, học tập tại Mỹ chịu giám sát chặt chẽ.
Sinh viên Trung Quốc tại Đại học Nam California, Mỹ. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ sinh viên và học giả Trung Quốc hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh. Tháng trước, hai người Mỹ nhận tội tại một tòa án tại Washington vì sử dụng hộ chiếu giả và các tài liệu giả khác để giúp công dân Trung Quốc có được thị thực du học.
Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 7 bắt 4 học giả Trung Quốc vì che giấu mối quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc trong đơn xin cấp thị thực. Hồi tháng 6, ba sinh viên Trung Quốc bị tuyên án một năm tù vì chụp ảnh căn cứ hải quân Mỹ ở Florida.
Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ khởi động chương trình giám sát hoạt động bất hợp pháp của công dân Trung Quốc ở Mỹ. Bộ này sau đó tuyên bố rằng khoảng 60% các trường hợp liên quan đánh cắp bí mật thương mại có mối liên hệ với Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien tuần này cho biết chính phủ đang làm việc với các trường đại học để bảo vệ quyền của các sinh viên trao đổi Trung Quốc, nhưng cũng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các trường đại học Mỹ.
"Những sinh viên Trung Quốc đến đây để học chứ không phải để ăn cắp sẽ luôn được chào đón", ông cho hay.
Đầu tháng này, Pompeo và Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos gửi thư tới các lãnh đạo trường đại học, nói rằng chính phủ Trung Quốc có thể đang giám sát cả sinh viên Mỹ và Trung Quốc trong khuôn viên trường họ. Tháng trước, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger cho biết Mỹ đang thực hiện "phương pháp chọn lọc" để theo dõi các gián điệp tiềm năng, chỉ nhắm vào 1% trong số 400.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ.
Bất chấp mối quan hệ không mấy êm đẹp giữa hai nước, Mỹ vẫn là điểm đến phổ biến nhất của du học sinh Trung Quốc, sau Anh, Australia và Canada, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường New Oriental. Một nghiên cứu của Đại học Georgetown tuần trước cho biết công dân Trung Quốc chiếm 16% tổng số sinh viên nước ngoài theo học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở Mỹ.