Trong tuần qua, TT đắc cử Joe Biden tuyên bố nước Mỹ "trở lại", "sẵn sàng lãnh đạo thế giới" và không rút lui khỏi trường quốc tế khi ông tiết lộ các quan chức nội các thực hiện chính sách đối ngoại mới.
Ông Biden sẽ khôi phục quan hệ với các đồng minh, bao gồm các nước châu Âu. Trong ảnh: ông Biden gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel khi còn là phó tổng thống Mỹ năm 2013 - Ảnh: DPA
Điều này về lý thuyết đánh dấu chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump sẽ bị gạt đi và ông Biden sẽ đưa "Nước Mỹ trở lại" nếu chính thức lên làm tổng thống.
Vá lành vết nứt với WHO
Nói như bà Linda Thomas-Greenfield, người được ông Biden chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ): "Nước Mỹ trở lại, chủ nghĩa đa phương trở lại, ngoại giao trở lại".
Ông Richard Gowan, nhà phân tích hàng đầu về LHQ tại Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG), cho rằng một trong nhiều người chiến thắng rõ ràng trên trường quốc tế nếu ông Biden lên làm tổng thống chính là tổng thư ký LHQ António Guterres.
Ông đã nỗ lực giữ hòa hiếu với ông Trump 4 năm qua để ngăn tổng thống Mỹ ngừng tài trợ hay rút khỏi các cơ quan của LHQ, nhưng rốt cuộc mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" đã lộ rõ.
Vết nứt rõ nhất chính là việc chính quyền ông Trump bắt đầu quá trình chính thức rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tháng 7 ngay giữa đại dịch COVID-19 nghiêm trọng.
Theo Đài NPR, ông Trump cáo buộc cơ quan LHQ này cấu kết với Trung Quốc để nói giảm nói tránh tính nghiêm trọng của dịch bệnh trong giai đoạn đầu. Quá trình Mỹ rút khỏi WHO sẽ hoàn tất vào tháng 7-2021.
Trái lại, ông Biden đã hứa sẽ đảo ngược quyết định của ông Trump trong ngày đầu tiên làm tổng thống, đưa Mỹ tái gia nhập WHO. Các chuyên gia y tế toàn cầu đang mong đợi ông Biden khôi phục và xây dựng lại hình ảnh mối quan hệ giữa Mỹ với tổ chức y tế hàng đầu thế giới này.
Ông Rifat Atun, giáo sư về hệ thống y tế toàn cầu tại Đại học Harvard (Mỹ), đánh giá "mối quan hệ này sẽ được thiết lập lại hoàn toàn" dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, "thiết lập lại" không có nghĩa mọi thứ sẽ quay về như trước ngay.
Các chuyên gia cảnh báo sẽ tốn thời gian và nỗ lực để Mỹ khôi phục vị trí lãnh đạo về y tế toàn cầu. Hiện Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất thế giới do COVID-19, với hơn 13 triệu ca nhiễm và hơn 271.000 ca tử vong.
Giám đốc y tế toàn cầu Jennifer Kates đến từ Quỹ gia đình Kaiser (Mỹ) đánh giá việc ông Trump rút Mỹ khỏi WHO đã gây tổn hại cho các mối quan hệ. Ông Lawrence Gostin, giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, cũng đồng quan điểm. Ông nói rằng kế hoạch rút khỏi WHO của ông Trump đã khiến việc hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Mỹ và WHO trở nên khó khăn hơn.
Theo Đài CNN, các cố vấn của ông Biden nói rằng ông sẽ nỗ lực cải tổ WHO và tập trung đảm bảo Trung Quốc tuân thủ các quy định quốc tế liên quan tới việc đối phó đại dịch. Các cố vấn của ông cho biết kế hoạch tái gia nhập WHO và những bước đi liên quan tổ chức này sẽ được xác định trong quá trình chuyển giao quyền lực.
"Trở lại" đúng cách
Theo báo Guardian, đối với hầu hết nhà ngoại giao trên thế giới, khẩu hiệu "Nước Mỹ trở lại" của ông Biden không phải là cách nói ẩn dụ gì cả. Việc lựa chọn nội các bao gồm những người theo chủ trương đa phương sẽ lấp những chiếc ghế trống mà chính quyền ông Trump đã từ bỏ trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, trong cách nhìn của ông Biden, việc hợp tác với các đồng minh của Washington sẽ giúp giải quyết nhiều thách thức và thành công của những người bạn cũng sẽ tốt cho xứ sở cờ hoa. Cựu phó tổng thống Biden chỉ trích chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump đã khiến nước Mỹ trở nên đơn độc.
Tuy nhiên, nhà báo Mỹ David Von Drehle cho rằng sẽ là sai lầm nếu quay ngược đồng hồ lại năm 2016. Đặc biệt trong vấn đề Trung Quốc, ông cho rằng chính quyền ông Biden nên duy trì đòi hỏi của ông Trump về việc Trung Quốc phải hoàn thành trách nhiệm và chơi theo luật.
"Các đồng minh cùng đối tác của Mỹ muốn biết chính sách Trung Quốc của ông Biden sẽ khác và giống bao nhiêu với chính sách của ông Trump và cũng muốn biết sẽ khác thế nào với chính sách Trung Quốc thời tổng thống Barack Obama" - bà Miyeon Oh, giám đốc Sáng kiến an ninh châu Á tại Hội đồng Đại Tây Dương, bình luận.
Ông Biden cũng nên tiếp tục thúc đẩy những bước đột phá của chính quyền ông Trump ở Trung Đông, gồm thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel và các nước Ả Rập.
Đồng thời, ông Biden không nên dùng cách tiếp cận "trở lại" liên quan cam kết của ông Trump với các nước láng giềng gần nhất của Mỹ, tiêu biểu là vụ tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico. Việc gắn kết châu Mỹ thành một bán cầu hạnh phúc sẽ mang lợi cho Mỹ, chẳng hạn trong việc giải quyết vấn đề người nhập cư.
"Sự kiên quyết đối với Trung Quốc, sự linh hoạt ở Trung Đông và lạc quan về sự phát triển của châu Mỹ là ba thứ tạo nên điểm tốt nhất trong chính sách đối ngoại phi truyền thống của ông Trump. Khi đưa nước Mỹ quay lại đúng vị trí trong trật tự thế giới, ông Biden nên tiếp tục thúc đẩy những mặt này" - nhà báo David Von Drehle bình luận trên báo Washington Post.
Di sản "Nước Mỹ trên hết"
Trước việc ông Biden bắn tín hiệu sẽ xóa bỏ chính sách "Nước Mỹ trên hết", trong những bình luận tuần này, ông Trump khẳng định "nước Mỹ trên hết" và "không nên rời xa điều đó".
Theo Hãng tin AP, trong lúc đó chính quyền ông Trump có nhiều động thái như ban nhiều sắc lệnh, quy định mới... với hi vọng sẽ cản đường ông Biden và củng cố di sản "Nước Mỹ trên hết" trong các vấn đề quốc tế như Iran, Israel, Trung Quốc... Điển hình trong tháng này, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gây nhiều sự chú ý khi có chuyến công du một loạt quốc gia ở Trung Đông.
VietBF sưu tầm