Da khô thiếu nước, thiếu độ ẩm dễ bị kích ứng hoặc phát ban khi thời tiết lạnh, nhất là với người mắc bệnh chàm, viêm da, hen suyễn...
Bác sĩ Trần Hạnh Vy, Khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết vùng da dễ bị kích ứng là mặt, chân, tay, bàn tay hoặc lan rộng trên các vùng khác của cơ thể.
Ai cũng có thể bị kích ứng da vào mùa đông. "Kể cả khi bạn có làn da khỏe mạnh trong suốt thời gian còn lại của năm vẫn có thể phát ban khi trời lạnh", bác sĩ nói.
Theo bác sĩ, da khô là tình trạng rất phổ biến. Người lớn tuổi thường dễ bị khô da hơn người trẻ, nhất là vùng cánh tay, bàn tay và đặc biệt cẳng chân. Da càng khô, càng nhạy cảm thì càng dễ phát ban và tổn thương, không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như mề đay, chàm bội nhiễm, nhiễm khuẩn thứ phát, viêm mô tế bào và thay đổi màu da.
Khô da có thể do các yếu tố bên ngoài bao gồm nhiệt độ lạnh và độ ẩm thấp, sử dụng nước nóng nhiều hoặc các loại mỹ phẩm trang điểm chứa thành phần kiềm dầu, lột... Sử dụng kem dưỡng ẩm không đúng cách hoặc không phù hợp cũng khiến phát ban kéo dài.
Da khô rát đỏ cũng có thể do dùng một số loại thuốc như thuốc điều trị huyết áp cao, dị ứng, trị mụn trứng cá, bệnh nội khoa như lão hóa khiến da khô và nhạy cảm hơn.
Các yếu tố bên trong bao gồm sức khỏe tổng thể, tuổi tác, di truyền, tiền sử viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng. Người mắc bệnh về tuyến giáp rất dễ bị khô da.
Làn da cần được cấp ẩm đầy đủ vào mùa đông để khỏe mạnh, không bị khô, rát đỏ. Ảnh: Health
Biểu hiện da phát ban
Ở mức độ nhẹ nhất, vùng tổn thương ngứa, đau, chuyển màu đỏ hoặc vàng, mất cảm giác tạm thời. Đây là cấp độ nhẹ nhất nên gần như không có nguy hiểm, phục hồi rất nhanh ngay sau sơ cứu.
Nặng hơn, vùng tổn thương bị đông cứng lại, tổn thương các lớp da ngoài nhưng chưa ảnh hưởng đến các mô sâu. Ở mức độ này, vùng da bỏng lạnh có thể xuất hiện các bọng nước, màu da trở thành màu đen, có thể khỏi sau một tháng chăm sóc.
Phát ban kéo dài có thể dẫn đến tình trạng hoại tử. Tổn thương ở cấp độ này là tổn thương toàn bộ, các mô sâu, cơ, máu, gân, tế bảo thần kinh đều bị đông cứng hoặc chết. Màu da vùng tổn thương chuyển dần sang màu đen hoại tử. Đối với cấp độ này, bệnh nhân buộc phải tháo chi hay cắt bỏ phần vùng bị hoại tử.
Do đó, da cần được bảo vệ và chăm sóc trong thời tiết mùa đông. Mỗi làn da với tính chất khác nhau cần có sự chăm sóc khác nhau. Da khô bị ảnh hưởng nhiều nhất trong mùa đông, do bản chất làn da đã rất khô, dễ bong vảy, ngứa da, nổi mẩn đỏ. Lớp hàng rào bảo vệ tự nhiên trên làn da khô không tốt bằng các loại da khác.
Cách chăm sóc làn da mùa đông
Dùng kem dưỡng ẩm là biện pháp bảo vệ đầu tiên chống lại phát ban mùa đông. Nên thoa kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày, đặc biệt là sau khi tắm và rửa tay để cấp ẩm cho da. Sử dụng thêm dầu khoáng hoặc các loại dầu tự nhiên như ô liu, dầu dừa. Hạn chế cào gãi, gãi khiến da bị nứt và chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, làm nhiễm trùng da.
Tắm bằng sữa, xà phòng bột yến mạch làm dịu cơn ngứa. Hạn chế thời gian đứng trước lửa làm giảm độ ẩm khi da tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Bảo vệ đôi tay bằng cách đeo găng tay mỗi khi ra ngoài trời. Thoa kem chống nắng phổ rộng có SPF từ 30 trở lên khi ra ngoài ngăn ngừa cháy nắng. Mặc quần áo làm từ sợi tự nhiên thoáng khí như bông và sợi gai dầu, để giúp giảm kích ứng da và quá nóng.
Người bị vảy nến, viêm da cơ địa, mày đay... cần điều trị dứt điểm để hạn chế phát ban tái phát vào mùa đông.
Không tự ý sử dụng các sản phẩm thoa chứa corticoid. Nếu da chảy máu, nổi mụn nước, chảy nước, nứt nẻ dữ dội, nên đến bác sĩ da liễu khám để được điều trị sớm, cải thiện tình trạng da.